Thanh Oai phát huy nguồn lực từ sản phẩm OCOP

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống được đánh giá cao trong nước và xuất khẩu, Thanh Oai đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với việc chọn lựa, phân loại và đánh giá xếp hạng, Thanh Oai đang xây dựng các chuỗi giới thiệu sản phẩm OCOP để khai thác hiệu quả kinh tế từ những nguồn lực này. Cụ thể, 6 sản phẩm nón lá xếp hạng 4 sao năm 2020 của gia đình bà Tạ Thu Hương (xã Phương Trung) được giới thiệu, trở thành sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến và đang xuất khẩu đi các nước.

Bà Tạ Thu Hương chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, cơ sở xuất khẩu 5.000 chiếc nón lá, quạt thông qua việc liên kết với các DN để xuất khẩu tới Nhật Bản, Australia... Các sản phẩm nón lá được TP công nhận đạt OCOP đã giúp cơ sở thuận lợi trong tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng, trực tiếp bán sản phẩm ra nước ngoài''.

Chị Tạ Thu Hương (xã Phương Trung) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm nón lụa tại một hội chợ năm 2020. Ảnh: Bình Minh

Hộ ông Lê Văn Trẻo (xã Liên Châu) đang chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao cho hay, với gần 10ha trang trại, gia đình ông đang nuôi hàng nghìn con vịt đẻ và cá thương phẩm. Năm 2020, sản phẩm trứng vịt của gia đình được TP công nhận xếp hạng 3 sao. Được chứng nhận 3 sao, sản phẩm trứng vịt của gia đình được xuất bán nhiều vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của TP. Với trại chăn nuôi vịt khép kín và nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm gia đình ông bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi hơn 700 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND huyện Thanh Oai, giai đoạn 2018 - 2020, TP Hà Nội công nhận, xếp hạng 31 sản phẩm của huyện đạt 4 sao và 3 sao. Từ khi được xếp hạng sao, huyện đã hỗ trợ chủ sản phẩm xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, Thanh Oai  không chỉ là vùng nông nghiệp trọng điểm của TP với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mà còn là vùng đất với nhiều làng nghề truyền thống. Việc đánh giá, phân loại, xếp hạng các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ giúp huyện phát huy nguồn lực kinh tế từ nhóm ngành hàng này.

Nhằm phát huy nguồn lực từ sản phẩm OCOP, năm 2021, Thanh Oai đã xây dựng Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 5/4/2021 triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn huyện.

Theo đó, huyện có kế hoạch triển khai điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 1 điểm tại hộ kinh doanh nón lá Tạ Thu Hương (Cầu Chuông, xã Phương Trung) và 1 điểm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng). Huyện đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn năm 2021, dự kiến đánh giá và xếp hạng cho khoảng 30 sản phẩm (ô mai, măng chua, măng tây, bánh đa, giò, chả, xúc xích…) thuộc nhóm ngành thực phẩm và một số sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí…

Tuy triển khai Chương trình OCOP trong thời gian ngắn (từ năm 2018 đến nay) song huyện Thanh Oai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức trong cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng DN, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...