Thế giới mất 14 triệu việc làm trong 5 năm tới?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra dự báo này trong tài liệu công bố hôm 30/4, dựa trên khảo sát hơn 800 công ty.

WEF - nơi tổ chức cuộc họp các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Davos (Thụy Sĩ) hàng năm - ước tính các nhà tuyển dụng sẽ tạo ra 69 triệu việc làm mới vào năm 2027 và loại bỏ 83 triệu vị trí. Điều đó sẽ dẫn đến việc "mất ròng" 14 triệu việc làm, tương đương với 2% việc làm hiện tại.

Thị trường lao động trong giai đoạn đó sẽ hỗn loạn vì nhiều yếu tố, trong đó chuyển dịch năng lượng sẽ là nhân tố chính tạo ra việc làm, còn tăng trưởng kinh tế chậm đi và lạm phát cao sẽ dẫn đến thua lỗ.

Trong khi đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ồ ạt sẽ vừa là tác nhân tích cực và tiêu cực. Theo WEF, nhiều công ty sẽ cần nhân viên mới để triển khai và quản lý các công cụ AI. Việc làm liên quan đến phân tích dữ liệu, khoa học, chuyên gia học máy và chuyên gia an ninh mạng được dự báo tăng trung bình 30% vào năm 2027.

Đồng thời, sự phổ biến của AI sẽ khiến nhiều vị trí gặp rủi ro, khi robot thay thế con người trong một số trường hợp. WEF dự đoán gần 26 triệu công việc hành chính và lưu trữ hồ sơ có thể bị thay thế hoàn toàn vào năm 2027. Nhân viên nhập liệu và thư ký điều hành cũng nằm trong số vị trí chịu tổn thất nặng nề nhất.

Bất chấp sự phổ biến xung quanh các công cụ như ChatGPT, quá trình tự động hóa diễn ra tương đối chậm chạp vào đầu thập kỷ này. Các tổ chức được WEF thăm dò ước tính rằng, 34% các nhiệm vụ liên quan đến kinh doanh hiện đang được thực hiện bởi máy móc.

Kỳ vọng về tốc độ tự động hóa trong tương lai cũng đã được điều chỉnh giảm. Vào năm 2020, các nhà tuyển dụng dự đoán 47% nhiệm vụ sẽ được tự động hóa vào năm 2025 thì giờ đây, họ kỳ vọng sẽ đạt 42% vào năm 2027.

Trong khi đó, doanh nghiệp đang cân nhắc lại những kỹ năng mà nhân viên của họ cần. Theo WEF, nhiều công ty hiện coi trọng "khả năng sử dụng hiệu quả các công cụ AI" hơn là lập trình máy tính.