Gây dựng vai trò trung gian hòa giải ấy cũng còn là một khác biệt rất cơ bản trong chính sách cầm quyền của Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva so với người tiền nhiệm ở Brazil.
Đầu tiên, ông Lula da Silva đưa ra ý tưởng thành lập nhóm nước cùng đảm trách sứ mệnh ngoại giao trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, gọi tên là "Câu lạc bộ hòa bình". Mới đây, ông Lula da Silva cử đặc phái viên sang Nga và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy thực thi ngoại giao trung gian hòa giải với cùng mục đích nhưng cách làm của Brazil khác với những đối tác bên ngoài khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc.
Ông Lula da Silva không đưa ra sáng kiến hay đề nghị giải pháp như Trung Quốc, cũng không đề xuất những khuôn khổ đối thoại và đàm phán song phương hay nhiều bên như Thổ Nhĩ Kỳ, cũng chẳng dùng trao đổi, gặp gỡ cấp cao song phương để vận động Nga chấp nhận đàm phán hòa bình không với bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Ông Lula da Silva có lợi thế là Brazil có quan hệ hợp tác tốt với Nga, cùng là thành viên của nhóm Brics và G20 như Nga, lại còn có mối quan hệ cá nhân quen biết lâu năm với ông Putin.
Nhưng vì cả Trung Quốc cũng như thế nên ông Lula da Silva không thể làm gì tổn hại đến vai trò trung gian hòa giải mà Trung Quốc cũng đang nỗ lực gây dựng, càng không để hình thành cuộc ganh đua vai trò ngoại giao trung gian hòa giải trong nội bộ nhóm Brics. Brazil và Trung Quốc không khác biệt gì nhau khi đều vừa muốn gây dựng và tăng cường vị thế, ảnh hưởng chính trị thế giới thông qua vai trò trong việc giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Ukraine vừa chủ trương không để ảnh hưởng xấu gì tới quan hệ của từng bên với Nga và tới nhóm Brics.