Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Thực hiện tốt chức năng giám sát

Linh Nguyễn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về những định hướng, cách làm TP Hà Nội nên tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sau một năm thí điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã có những đề xuất đáng quan tâm.

>>> Bài 1: Bộ máy chính quyền nhanh nhạy hơn

>>> Bài 2: Bất cập nảy sinh từ thực tiễn

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Định biên lại cho rõ, không nên máy móc

Thực tế có nhiều phường rất đông dân, cán bộ cơ sở phản ánh từ khi thực hiện chính quyền đô thị thì khối lượng công việc tăng rất nhiều, trong khi số cán bộ công chức (CBCC) không được bổ sung nhưng chưa được hưởng thêm ưu đãi gì. Theo ông, có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

- Đây là bài toán cần lời giải của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo tôi, nên sớm tính toán lại Nghị định 92/NĐ-CP và sau này đã bổ sung bằng Nghị định 29/NĐ-CP về định biên CBCC của xã, phường. Hơn nữa, vừa qua tại Hà Nội đã sáp nhập một số phường với nhau, tạo ra phường quy mô lớn. Rõ ràng do nhu cầu bức thiết, không đủ người đáp ứng khối lượng công việc nên chính quyền vẫn phải loay hoay với bài toán này.

Theo tôi, mình không thể máy móc mà phải căn cứ vị trí việc làm (VTVL) để định biên lại cho rõ, theo đặc thù, nhất là với những đơn vị thuộc đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có trên dưới 1 vạn dân. Do khối lượng dân cư và khối lượng giao dịch quá lớn, kể cả một phường được tối đa định biên công chức theo quy định cũng không thể đáp ứng được, nhất là với những phường lớn có tới 6 vạn dân như phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).

Nhiều ý kiến đặt ra vấn đề tăng lương cao hơn cho các VTVL tại các TP lớn, so với cùng vị trí đó tại các tỉnh, thành nhỏ nhưng tôi nghĩ, các đô thị lớn vẫn đòi hỏi đánh giá xem xét một cách đồng bộ. Một vị trí cần 3 người thì phải cho 3 nhưng thực tế nhiều nơi chỉ cho 1 người, cũng đã có những vị trí được 2 người song vẫn không đủ đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cần tính VTVL và khối lượng công việc, sau đó đến chuyện cho hưởng lương. Không thể tự nhiên cho tăng lương lên gấp đôi chỗ khác, mà cần thông qua VTVL để từ 1 người làm việc của 3 người thì tăng lên có 3 người làm vẫn ăn lương như thế, sẽ giải tỏa được.

Nhiều ý kiến cơ sở cho rằng, thị xã Sơn Tây hiện có cả xã và phường, nên việc thực hiện chính quyền đô thị, tạo sự khác biệt tổ chức bộ máy chính quyền giữa phường với xã; cơ chế chính sách, ngân sách cũng có khác nhau. Theo ông, nên giải quyết thế nào?

- Thực ra cứ vận hành theo cơ chế cũ, qua làm điểm rồi thực tế phát sinh thì mới bổ sung sửa đổi, không còn cách nào khác. Một chính quyền thị xã phải vận hành cả xã và phường, cần vận hành một thời gian rồi sau này nghiên cứu đầy đủ, chỉ rõ vướng mắc, tính toán cho đồng bộ.

Bởi cũng không thể chuyển mô hình xã thành phường và ngược lại, vì có thể vài năm tới, lại tính hướng phát triển thị xã Sơn Tây lên TP, bởi tôi được biết, khi tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020,

Hà Nội đã báo cáo và đề xuất, Bộ Chính trị đồng ý phương án đó, cũng cho thời điểm rồi. Nên việc thành lập TP Sơn Tây như mô hình “thành phố trong thành phố” Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh không phải là không có khả năng.

Công chức bộ phận một cửa UBND phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Thùy Linh  
Công chức bộ phận một cửa UBND phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Thùy Linh  

Để mô hình phát huy hiệu quả

Với việc bỏ HĐND phường, nhiều nơi phản ánh UBND phường trở thành đơn vị dự toán thuộc UBND quận, không còn là một cấp ngân sách nên việc sử dụng ngân sách của UBND phường phải báo cáo qua cấp quận, làm giảm tính chủ động và kịp thời. Ý kiến của ông ra sao?

- Tôi nghĩ chỉ có cách quy định thế nào để cấp quận có thể bàn bạc nhanh hơn hoặc rút gọn thủ tục ở quận để quyết định nhanh việc sử dụng ngân sách của UBND phường nhưng quan trọng là năng lực của UBND phường cũng phải tăng lên. Nắm bắt thực tế, tôi thấy cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị, sau một năm thí điểm không tổ chức HĐND phường, cho phép Hà Nội mở rộng mô hình chính quyền một cấp hành chính, vì nếu để HĐND thì tiếp tục có độ trễ.

Theo tôi, Hà Nội có thể bỏ HĐND quận như Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã thực hiện. Riêng với TP thì nên giữ lại vì HĐND TP đang nắm vai trò quyết định rất mạnh, trong đó có cả ban hành chính sách; còn ở cấp huyện và cấp phường không ban hành mà hoàn toàn thực hiện theo cấp trên.

Trên cơ sở chính sách chung của Quốc hội thì HĐND tỉnh/TP cụ thể hóa, ban hành chính sách; tất cả các cấp khác chỉ cụ thể hóa và thực thi. Tiến tới Hà Nội cũng nên bỏ HĐND quận, chỉ còn cấp hành chính thôi, để đảm bảo bộ máy tinh gọn hiệu quả. Dần dần cần tính toán cấp huyện cho thí điểm chính quyền đô thị là phù hợp, vì bản chất đây là cấp trung gian thôi, mà tất cả do HĐND TP quyết định.

Vậy mấu chốt, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, Hà Nội cần tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng tồn tại hiện nay cơ bản vẫn ở cấp phường. Vì thực tế không phải bỏ HĐND cấp phường làm tăng áp lực công việc cho UBND phường, do hai chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng bởi vốn dĩ các công chức chuyên môn của UBND phường đã bị quá tải công việc, càng quá tải khi một số phường nhập vào nhau, các tổ dân phố nhập vào nhau. Bản chất UBND phường là cơ quan thực thi, giao dịch hành chính, số dân nhiều hơn nên phải giải quyết công việc nhiều hơn, số lượng giao dịch với Nhân dân nhiều nhưng số CBCC không đáp ứng được.

Nhưng đúng là nếu trước đây HĐND phường có chức năng giám sát thì từ một năm qua không còn HĐND phường để thực hiện chức năng này, đòi hỏi vai trò quản lý điều hành của UBND phường phải tăng lên, MTTQ cũng cần tăng vai trò giám sát. Mấu chốt là HĐND quận và HĐND TP cần tăng cường vai trò, còn với UBND thì yêu cầu luôn luôn là nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, chất lượng đội ngũ CBCC, cải cách hành chính.

Cần tập trung vào vấn đề lớn nhất là thực hiện chức năng giám sát: Không có HĐND phường thì phải tăng cường MTTQ và nhất là tăng cường hơn nữa vai trò của HĐND quận, HĐND TP và cả Đoàn Đại biểu Quốc hội TP thực hiện giám sát. Trong đó, quan trọng là HĐND quận có trách nhiệm với các phường, tăng vai trò giám sát hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

 

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây đã ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”.

Đề án xác định 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý, phấn đấu 100% đại biểu HĐND các cấp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hàng năm, đặc biệt quan tâm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND các cấp, tổ đại biểu HĐND cấp TP và cấp huyện tăng cường giám sát, khảo sát chuyên đề đảm bảo số lượng, chất lượng.