Những khoảng lặng thị trường
Theo thống kê, thị trường chứng khoán đã tăng hơn 40% kể từ tháng 11/2022. Riêng từ cuối tháng 4 đến nay, chỉ số chính VN-Index đã tăng hơn 20%, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường duy trì đà tăng tốt nhất trên thế giới.
Theo quy luật thông thường, khi các chỉ số tăng cao, thị trường xuất hiện những khoảng lặng, những phiên điều chỉnh rung lắc mạnh.
Theo ông Tô Quốc Bảo - Trưởng nhóm chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán Dầu khí PSI, việc thị trường gặp những phiên điều chỉnh rung lắc mạnh trong tuần qua là hoàn toàn bình thường khi chỉ số đã liên tục tăng nóng trong thời gian vừa rồi, và nhịp điều chỉnh có thể còn tiếp diễn. Nhờ đó, VN-Index có thể rũ bỏ các dòng tiền ngắn hạn không bền vững và tích lũy thêm tại vùng cân bằng mới trước khi có nhịp tăng tiếp theo.
Vị chuyên gia PSI đánh giá đà tăng của chỉ số VN-Index diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về sự hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu. Điển hình, Trung Quốc có thể đưa ra thêm gói kích thích và Fed sắp chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất cùng với các chính sách hạ lãi suất điều hành nhằm kích thích nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, sự đảo chiều mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thời gian qua được thúc đẩy bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng vĩ mô khi bối cảnh toàn cầu và trong nước đều đang có xu hướng thuận lợi.
Tuy nhiên, bà cho rằng, hiện đang có sự phân hóa lớn giữa hệ số P/E (giá cổ phiếu/lợi nhuận) các nhóm ngành. Trong đó, ở khá nhiều cổ phiếu, P/E vượt qua vùng giao dịch thường xuyên 3 năm gần nhất.
Điều này có nghĩa nhà đầu tư đang trả thêm chi kỳ vọng tương lai về tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt sau khi các cơ quan, ban ngành đưa ra chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo bà Lam, nếu chính sách không “thẩm thấu” và cho kết quả tương ứng với kỳ vọng của nhà đầu tư thì sẽ có sự điều chỉnh P/E ngược trở lại.
Một trong những rủi ro cần chú ý là việc tỷ giá tăng cao từ giữa tháng 8/2023 có thể khiến chứng khoán điều chỉnh. Ngày 15/8, tại Vietcombank, ngay từ đầu giờ sáng, tỷ giá được yết ở mức 23.680 VND/USD (mua vào) và 24.020 VND/USD (bán ra). Sau khi chính thức bứt khỏi vùng 24.000 đồng ở chiều bán ra, tỷ giá tiếp tục tăng sau đó.
Cập nhật đến cuối ngày, tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã tăng lên 24.140 đồng, tăng 150 đồng so với hôm qua. Thậm chí, tỷ giá tại VietinBank còn tăng lên 24.185 đồng đổi 1 đôla chiều bán ra.
Tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 8 sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7. Còn trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD đã tăng 170 đồng so với cuối tháng 7 và hiện giao dịch ở mức 23,840 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 23.881 đồng/USD, tăng 123 đồng trong nửa đầu tháng 8.
Tỷ giá tăng mạnh từ đầu tháng 8/2023 không hẳn đến từ yếu tố cung cầu. Nếu tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Khảo sát của Bộ phận Nghiên cứu Chứng khoán MB
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra, tuy nhiên, bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự chuyển biến (tăng trưởng GDP chậm, chỉ số PMI có tháng thứ 5 liên tiếp dưới mốc 50 điểm) cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn còn chậm, chính sách hỗ trợ cần thêm thời gian thẩm thấu.
Thêm vào đó, các rủi ro liên quan tới tình hình vĩ mô quốc tế như việc FED vẫn đang duy trì việc thắt chặt tiền tệ cùng giá dầu tăng cao trong tháng 7 vừa qua cũng sẽ có những ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tin VinFast sẽ niêm yết tại Mỹ cũng khiến cổ phiếu "họ" nhà Vin, trong đó đặc biệt cổ phiếu VIC đã có những diễn biến tăng giá vô cùng tích cực khi chỉ trong 2 tuần cổ phiếu VIC đã tăng hơn 38% và là một trong những cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất tới chỉ số VN-Index.
Ở một góc nhìn tích cực hơn, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, chứng khoán Việt hiện vẫn lạc quan - “Kinh tế Việt Nam vẫn đang là điểm sáng, có tốc độ tăng trưởng cao, triển vọng tốt”.
Ngoài ra, lực lượng lao động hùng hậu và tầng lớn trung lưu mới cũng sẽ là điểm cộng của thị trường chứng khoán trong nước.
Hơn nữa, nền kinh tế vẫn khó khăn, sản xuất kinh doanh, năng lực hấp thụ vốn yếu - trong bối cảnh đó dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức có thể sẽ tiếp tục chảy vào chứng khoán.
Chắt lọc cổ phiếu
Theo các chuyên gia, trong thời điểm hiện tại khi các biến động thị trường trở nên mạnh hơn đi kèm những nhịp rung lắc, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý, đặc biệt về tâm lý khi giao dịch, tránh mua đuổi và trở nên quá hưng phấn giải ngân toàn bộ để tránh những rủi ro tại các vùng điều chỉnh.
Cùng với đó, nên kiên trì chờ đợi các nhịp điều chỉnh phù hợp, có mục tiêu, chiến lược giải ngân hướng tới nắm giữ trung - dài hạn. Từ đây, xác định các cổ phiếu tiềm năng và sở hữu nền tảng cơ bản tốt đang được giao dịch ở dưới mức giá trị mà nhà đầu tư kỳ vọng. Nhờ đó, khi thị trường tăng, nhiều khả năng những cổ phiếu này cũng sẽ “đón sóng” tăng theo giúp gia tăng lợi nhuận.
Diễn biến thị trường chứng khoán đang rất tốt. Từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường tạo ra rất nhiều cơ hội kể cả đầu tư lẫn đầu cơ. Dòng tiền cải thiện, thanh khoản được củng cố. Trong môi trường vĩ mô lãi suất giảm, dần về mức thấp, lạm phát không quá cao, tạo thêm dư địa giảm lãi suất trong tương lai, tỷ giá tương đối ổn định hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong điều kiện đó, dòng vốn đi tìm kênh đầu tư thanh khoản linh hoạt hơn. Chứng khoán là một điểm sáng.
Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc
Thực tế cho thấy, thị trường đang bước vào giai đoạn chọn lọc. Tháng 8 là thời điểm chứng khoán Việt Nam rơi vào "khoảng lặng" khi kết quả kinh doanh quý II, cũng như nửa đầu năm của các DN niêm yết phần lớn đã được công bố. Thị trường vẫn còn nhiều cơ hội về trung - dài hạn nhưng rủi ro ngắn hạn đã bắt đầu xuất hiện. Cơ hội sinh lời sẽ trở nên chắt lọc hơn khi thị trường đã tăng nóng liên tiếp trong một thời gian dài.
Các nhóm ngành được khuyến nghị là các nhóm có sự hỗ trợ của các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính phủ
Việt Nam gồm: nhóm ngân hàng và chứng khoán, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, nhóm ngành dầu khí, nhóm nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra còn có thể kể tới nhóm ngành công nghệ, bán lẻ và tiện ích.
Trong đó, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công và hoạt động đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đặc biệt đối với nhóm dầu khí, nhiều dự án lớn đang được kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho DN, như các dự án Lô B - Ô Môn, dự án Kình Ngư Trắng, Lạc đà vàng…
“Nhóm ngành có P/E tương đối rẻ, như ngành ngân hàng, dịch vụ phần mềm, dược, tiện ích công cộng, duy trì được mức tăng trưởng dương nhiều quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều ngành tăng trưởng âm cũng như chưa vượt P/E 3 năm gần nhất có thể là những nhóm ngành tiềm năng”- bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.