Ảnh minh hoạ |
Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Công điện gửi các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, TN&MT, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT, TT&TT, Tư pháp, Bộ Nội vụ nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XIII; Nghị quyết số 45/NQ-CP và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Qua tổng hợp, rà soát của Văn phòng Chính phủ có một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các "điểm nghẽn", huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ trên.
Theo đó, Bộ KH&ĐT có 7 Luật: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật PPP.
Bộ Tài chính có 6 luật: Luật Ngân sách nhà nước, Luật phí, lệ phí, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.
Bộ Công Thương có Luật Điện lực.
Bộ TN&MT có 2 luật: Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng có 5 luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật kiến trúc.
Bộ GTVT có 2 luật: Luật Đường sắt, Luật Hàng không Việt Nam.
Bộ NN&PTNT có Luật Lâm nghiệp.
Bộ TT&TT có Luật Giao dịch điện tử.
Bộ Tư pháp có 2 luật: Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản.
Bộ Nội vụ có 2 luật là Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ trên hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22/8/2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30/8/2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) cho ý kiến về dự án Luật này.
Đối với các kiến nghị còn lại của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý III/2021.