Bởi đầu tư cho chính sách xã hội cũng là đầu tư cho phát triển, tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh to lớn.
Ngày 4/12, quán triệt Nghị quyết số 42-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” (Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm, chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong những năm qua, T.Ư vẫn dành 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm cho an sinh xã hội. Đồng thời, huy động sâu rộng sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và DN trong thực hiện chính sách xã hội. Nhiều chính sách đã được triển khai sâu rộng xuống cơ sở, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, từ đó thúc đẩy an sinh, tạo thêm những phúc lợi xã hội trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ở một góc độ khác, theo Nghị quyết 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Với đề án cải cách chế độ tiền lương lần này, việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Đây chắc chắn là những thông tin vô cùng ý nghĩa cho những người làm công, ăn lương trong hệ thống các cơ quan Nhà nước hiện nay, trước tình trạng lương cơ bản dù vừa tăng sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch nhưng vẫn rất hạn hẹp.
Thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư. Lương đủ sống và theo đúng vị trí việc làm sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.
Đặc biệt, đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết để thúc đẩy an sinh. Bởi khi triển khai chính sách tiền lương mới sẽ tác động rất nhiều đến các lĩnh vực phát triển, không đơn giản chỉ là cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Vì tiền lương mới hướng vào trả lương theo vị trí việc làm và theo mức độ đóng góp, là cơ sở để sang các khu vực khác. Từ việc cải cách tiền lương của Chính phủ mà cũng xây dựng mức trả lương cho người lao động tương xứng với vị trí của họ. Hay nói cách khác, chính sách tiền lương này sẽ là một trong những động lực để thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng lao động sáng tạo, đổi mới để tạo ra giá trị gia tăng mới.
Với chính sách lương mới và những chính sách xã hội được triển khai sâu rộng hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới sẽ tiếp tục mang tới tác động tích cực trong thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu và mong đợi của người dân. Đúng như mục tiêu đã đề ra trong các chính sách mới này, đó là lấy con người là trung tâm, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.