Bài 3: Thực thi bản quyền tác phẩm: Xử lý dứt điểm bệnh “nhờn thuốc”

Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ được cho là một trong nhiều lý do khiến cho vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm.

>>> Bài 1: Xưa - nay vẫn thế

>>> Bài 2: Bất cập trong bảo vệ quyền tác giả

Tuy nhiên, không vì thế mà thả nổi để cho các cá nhân, tổ chức ngang nhiên sài chùa tác phẩm mà theo các chuyên gia cần tìm ra vấn đề cốt lõi, xử lý dứt điểm căn bệnh này.

Chế tài xử phạt phải đủ răn đe

Thực trạng vi phạm bản quyền cho thấy đó không chỉ là vấn đề thuộc về ý thức chủ quan của người vi phạm mà còn liên quan đến sự quản lý, hành lang pháp lý và các chế tài của pháp luật hiện nay. Riêng đối với vấn đề thu hút đầu tư, phải kể ra rằng thế giới hiện nay rất quan tâm đối với quyền sở hữu trí tuệ vì nó thể hiện trình độ phát triển cao của con người.

Chương 18 của Hiệp định CCTPP với 83 điều quy định về sở hữu trí tuệ, cho Việt Nam 5 năm để hoàn thiện khung pháp lý trước khi áp dụng là minh chứng rõ ràng cho thấy sự coi trọng của chúng ta cũng như tất cả các nước khác trên thế giới đối với quyền về sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh nhất.

Quang cảnh buổi Diễn đàn bảo vệ quyền tác giả báo chí.
Quang cảnh buổi Diễn đàn bảo vệ quyền tác giả báo chí.

“Tôi cho rằng vấn đề này nằm ở các điều khoản liên quan đến chế tài. Rõ ràng nó chưa đủ mạnh để xử lý triệt để mọi hành vi liên quan đến việc xâm phạm sở hữu trí tuệ” - luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết.

Ngoài ra, các quy định về cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các trường hợp xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng đang có sự phân tán, chưa có lực lượng chuyên sâu đủ mạnh để xử lý các vấn đề này. Và đặc biệt nhất chính là ở việc Việt Nam có luật, nhưng công tác phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế khiến cho người có quyền sở hữu trí tuệ không rõ mình thực sự có quyền gì? Bảo hộ ra sao? Sẽ ngăn chặn vi phạm theo cách nào khi bị phát hiện… Luật Sở hữu trí tuệ ban hành từ 2005, sửa đổi vào năm 2009 và đến nay chưa có văn bản mới thay thế.

“Bước chuyển 10 năm qua đã thực sự rất lớn để chúng ta cần có công tác đánh giá, hoàn thiện, thay thế, sửa đổi một cách toàn diện quy định về sở hữu trí tuệ nhằm bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu” - luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhấn mạnh.

Theo các nhà chuyên môn để giảm bớt tình trạng vi phạm bản quyền vấn đề cốt lõi nằm ở việc giáo dục về giá trị của cái đẹp, về tầm quan trọng của việc tôn trọng chất xám, sự sáng tạo của người làm nghệ thuật cho giới trẻ chưa được chú trọng. Cần xóa bỏ lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc hiển nhiên. Và trên hết, chế tài xử phạt phải thật nghiêm khắc, đủ tính răn đe.

Công nghệ là chiếc gậy hữu hiệu

Trong khi chờ ý thức của người sử dụng, chờ công cụ pháp lý hoàn thiện để giúp ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp mạnh tay, trong đó việc tìm sự hỗ trợ từ chính các giải pháp công nghệ để ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu được coi là xu thế tất yếu.

Theo đó, các giải pháp được hiểu là sử dụng công nghệ gồm: Phần mềm, linh kiện, các thiết bị khác để tạo ra “cánh cửa có khóa”, giúp bảo vệ an toàn dữ liệu về tác phẩm. Cụ thể, công nghệ sẽ được sử dụng để tập trung giải quyết các vấn đề về kiểm soát quyền truy cập như: Mật khẩu, bức tường phí, giới hạn thời gian, giới hạn số người dùng cùng lúc...

Cùng với kiểm soát quyền truy cập, các giải pháp công nghệ cũng hướng đến việc kiểm soát hiệu quả quyền sử dụng bằng cách cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người dùng internet ngay cả khi họ đã truy cập vào tác phẩm. Cụ thể như có thể đưa ra các “lệnh” chặn tải xuống, chặn sao chép hoặc tác phẩm chỉ đọc..., từ đó hạn chế hành vi “ăn cắp” tác phẩm.

Một số công nghệ tìm kiếm mới hiện nay còn có thể giúp phát hiện và thực hiện các biện pháp để xóa bỏ video, bản ghi âm thanh vi phạm quyền tác giả. Công nghệ cũng được sử dụng để truy quét nội dung trên môi trường số. Khi phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ báo cáo về đối tượng cũng như mức độ vi phạm, từ đây, các cơ quan, tổ chức bị vi phạm bản quyền có thể chuyển cho đơn vị chức năng để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, một hướng đi mới là ứng dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền. Bởi công nghệ blockchain có tác dụng lưu giữ các dữ liệu liên quan như thời gian, địa điểm và nhận dạng của người sáng tạo nội dung. Dữ liệu trên nền tảng blockchain được bảo vệ bằng mật mã nên sẽ giúp tác giả bảo vệ sản phẩm của mình không bị vi phạm hoặc ăn cắp bản quyền.

Sử dụng các giải pháp công nghệ là phù hợp thực tế khách quan khi các giải pháp khác không mang lại nhiều hiệu quả. Hơn nữa, các thay đổi về công nghệ trong lĩnh vực bản quyền cũng đòi hỏi những sai phạm cần được ngăn chặn bằng chính các giải pháp công nghệ.

Việc đẩy mạnh sử dụng các giải pháp công nghệ để bảo vệ bản quyền không chỉ bởi hiệu quả do nó mang lại mà còn bởi đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế quốc tế.

Tuy nhiên, để giải pháp này thực hiện được hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain...

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn, nhất là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số và bảo vệ bản quyền bằng giải pháp công nghệ. Khi có được sự đồng bộ hệ thống luật pháp cùng với sự tham gia của các hiệp ước quốc tế thì vấn đề thực thi, minh bạch, công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền móng công nghệ chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

 

Dĩ nhiên muốn được bảo hộ, trước hết các thương hiệu cần phải chắc chắn về hành vi pháp lý đăng ký bảo hộ đã được tuân thủ đầy đủ. Chúng ta không thể ngăn chặn được triệt để việc ăn theo các thương hiệu lớn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành pháp luật của người dân và thái độ trong kinh doanh, cạnh tranh. Nhưng khi đã đảm bảo chắc chắn được về các thủ tục, hồ sơ pháp lý bảo hộ cho thương hiệu của mình thì việc xử lý các hành vi “ăn cắp bản quyền” sẽ dễ dàng trên thực tế nhiều hơn. Ngoài ra công tác hỗ trợ, kiểm tra khi đăng ký bảo hộ cũng cần phải gắn liền với công tác cải cách hành chính nhằm đảm bảo tinh gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho người có quyền về sở hữu trí tuệ." - Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

"Việc vi phạm bản quyền là hành vi ăn cắp trí tuệ và tài sản của các chủ sở hữu phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Song đáng tiếc tại Việt Nam, vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến do chưa đặt vấn đề này đúng tầm, chưa có những chiến dịch cụ thể tuyên truyền đủ độ sâu và không có sức lan tỏa trong cộng đồng, vì vậy vi phạm bản quyền còn đồng nghĩa với việc người ta đang sử dụng của chùa." - Ông Trương Xuân Thanh (BHD Việt Nam)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần