Giá vàng tăng vọt
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.901 USD/oz, tăng 14 USD/oz so với cùng thời điểm này sáng qua. Như vậy, vàng thế giới tăng 91 USD/oz so với mức giá chốt tuần trước và tăng 92 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng tăng mạnh. |
Nguyên nhân khiến giá vàng tiếp tục mạnh là do, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết: Thương mại toàn cầu đã chịu ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp hạn chế nhập khẩu cũ và mới trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. WTO ước tính quý 2 các biện pháp phong tỏa dịch bệnh đã khiến thương mại toàn cầu bị sụt giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ vẫn gia tăng mạnh số người mắc bệnh Covid-19, các nhà khoan học hàng đầu của nước này đa cảnh báo dịch vụ y tế của nước này đã quá tải do dịch bệnh.
Cùng với đó, Mỹ tuyên bố bắt giữ người Trung Quốc tại Lãnh sự quán ở San Francisco do nghi ngờ tội gian lận thị thực và nói dối về mối liên quan tới Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sự việc này khiến mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Những căng thẳng về quan hệ Mỹ - Trung, cùng với dịch bệnh không được kiểm soát khiến cho vàng được lựa chọn là kênh trú ẩn dòng tiền an toàn.
Chuyên gia khuyến cao, khi các DN nới biên độ chênh lệch mua - bán thì nhà đầu tư nên cân nhắc việc mua vào sẽ gây bất lợi khi bán ra.
Giá vàng trong nước vừa trải qua tuần biến động mạnh chưa từng có khi liên tục lập các mức kỷ lục. Từ vượt mốc 51 triệu đồng/lượng, giá vàng lần lượt băng qua mốc 52 triệu đồng/lượng, 53 triệu đồng/lượng và dừng lại ở 56,10 triệu đồng/lượng - mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, sau phiên đầu tuần ít biến động, ngày 21/7, giá vàng tăng 130.000 - 150.000 đồng/lượng, có nơi niêm yết ở trên mốc 51 triệu đồng/lượng. Tiếp sau là chuỗi ngày giá tăng dựng đứng. Trong đó, ngày 22/7, giá vàng tăng 1,35-1,55 triệu đồng/lượng, chạm mốc 53 triệu đồng/lượng; ngày 23/7, giá tăng khoảng 1,7 triệu đồng/lượng, tiến sát mốc 55 triệu đồng/lượng.
Chưa dừng lại ở đó, sáng hôm sau, giá kim loại quý "đội" 800.000 - 1.300.000 đồng/lượng, có nơi niêm yết giá bán ở mức 56,10 triệu đồng/lượng; đến chiều cùng ngày, giá giảm 300.000 - 700.000 đồng/lượng, xuống dưới mức 55,50 triệu đồng/lượng.
Trừ phiên cuối tuần, những ngày biến động trước đó, giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng thế giới bởi giá kim loại quý liên tục đi lên do số ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng ở nhiều nước, giới đầu tư kỳ vọng các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể áp dụng thêm các gói kích thích kinh tế, đồng USD giảm giá, diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với diễn biến trên, tuần qua, giá vàng trong nước tăng khoảng 4,1 triệu đồng/lượng so với đầu tuần, là mức tăng mạnh nhất trong tuần từ trước đến nay.
Giá rau củ tăng mạnh
Theo ghi nhận, giá các mặt hàng rau tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tăng gấp 3 lần so với vài tháng trước, như xà lách cô-rôn (Mỹ) lên 50.000 đồng/kg; xà lách lôlô từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; tần ô (cải cúc) và bó xôi từ 25.000 - 35.000 đồng/kg; cải thảo, bắp sú từ 5.500 - 7.000 đồng/kg; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm khoảng 50.000 đồng/kg; sú tím 25.000 đồng/kg; cải dưa 18.000 đồng/kg... được các thương lái thu mua tại vườn.
Giá rau củ tăng mạnh. |
Nhiều người trồng rau ở Đà Lạt phấn khởi cho rằng đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Nhiều nông dân tại tỉnh Lâm Đồng tỏ ra tiếc nuối do không có hàng để bán. Do thời tiết thất thường trong thời gian gần đây khiến rau ăn lá canh tác ngoài trời ở TP Đà Lạt và các huyện lân cận bị hư hại nhiều, năng suất kém.
Các loại rau củ như hành tây, cà rốt, củ cải cũng tăng giá mạnh, thế nhưng các chủ vựa rau cho biết họ không thể đặt hàng cho khoảng 1 tuần tới. Hiện hàng trữ ở các kho của nông dân đã hết nhưng hàng mới thu hoạch lại chưa có... Thêm vào đó, nhiều diện tích trồng xà lách cô-rôn bị dịch bệnh khiến sản lượng giảm sút nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Định (phường 8, TP Đà Lạt; chuyên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) cho biết khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhiều nhà vườn không bán được rau, phải nhổ bỏ, làm phân, do thương lái không thu mua vì thị trường ế ẩm. Điều này khiến nhiều nhà vườn ngại xuống giống hoặc xuống giống với diện tích hạn chế để tránh thua lỗ... Nay mọi sinh hoạt trở lại bình thường, nhu cầu tăng cao khi nguồn cung giảm khiến giá rau tăng cao" - anh Định nói.
Giá nghêu thương phẩm tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gò Công Đông, trong những ngày qua, giá nghêu thương phẩm tại vùng chuyên canh của tỉnh đang tăng mạnh, người nuôi có lãi khá.
Giá nghêu thương phẩm tăng mạnh. |
Cụ thể, giá nghêu thương phẩm tại đây từ 25.000 đồng/kg đến 27.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 15 tấn/ha, nông dân thu hoạch nghêu vào thời điểm hiện nay đạt giá trị sản xuất từ 370 triệu đến 400 triệu đồng.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gò Công Đông, giá nghêu thương phẩm tăng mạnh khả năng do nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung hạn chế.
Bơ khổng lồ rớt giá
Cả tạ bơ "khổng lồ" được chất đống trước chợ Xóm Mới (Gò Vấp), chị Miên - tiểu thương buôn trái cây Tây Nguyên, treo biển "30.000 đồng một kg" với loại bơ có trọng lượng trên 1 kg. Theo chị Miên, bơ này được chị nhập từ đầu mối ở Đắk Nông. Năm ngoái, chị bán giá 60.000 đồng/kg nhưng nay giá giảm phân nửa.
"Giá bơ loại này năm nay giảm mạnh do thị trường bơ ở Tây Nguyên khá dồi dào. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến bơ không xuất đi Trung Quốc được nên đồng loạt giảm giá mạnh", chị Miên nói. Đồng thời, chị cho biết, chưa có năm nào giá bơ lại giảm mạnh như năm nay. Do đó, dù nó có ngon và lạ đến mấy vẫn không thể bán giá cao.
Bơ khổng lồ rớt giá. |
3 năm liền chuyên bán bơ "khổng lồ" cho vườn nhà và các nơi lân cận, chị Dương ở quận 12 cho biết, mỗi kg bơ (loại trên 1kg) nay chỉ ở mức 35.000 đồng, giảm 50% so với trước đây.
Theo chị Dương, loại bơ này ngoài trọng lượng 'khủng', hạt của chúng còn khá nhỏ, ruột vàng ươm ăn ngọt và béo nên chúng được khách ưu tiên đặt hàng. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng bơ lớn, nhiều chủng loại nên bơ 'khổng lồ' này cũng bán chậm hơn so với mọi năm khiến giá giảm sâu. Các năm trước dù giá cao nhưng lên hàng đợt nào, hết sạch đợt đó.
Là hộ nhân giống bơ "khổng lồ", anh Trung ở Đăk Nông cũng xác nhận, năm trước giá bơ này bán tại vườn lên tới 50.000 đồng/kg, nay giảm còn 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo anh Trung, giá giảm mạnh do sức mua của thị trường giảm. Mặt khác, thị trường năm nay bơ chỉ bán nội địa chứ ít xuất đi nước ngoài nên đẩy giá đồng loạt giảm xuống. Do đó, giống bơ trên 1kg này cũng hạ giá theo.