Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin giả trên Facebook: Thông tin ảo – Trách nhiệm thật

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù cơ quan quản lý của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc triệt hạ nạn tin nhắn giả trên cộng đồng Facebook Việt nhưng phía mạng xã hội này vẫn luôn tỏ thái độ bất hợp tác trong việc giải quyết tận gốc vấn đề.

Tuyên chiến với tin giả
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tin giả đã được nhìn nhận theo cách thực sự nghiêm túc từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam. Việc triệt tiêu vấn nạn này đang là một thách thức lớn, bởi theo sự phát triển của xã hội nói chung và môi trường internet nói riêng, thông tin sai sự thật đang bộc lộ sự nguy hại khó có thể kiểm soát được đối với cá nhân, DN, thậm chí là với chính cả các cơ quan công quyền.
Ngay trong lần trả lời đầu tiên trước Quốc hội trên cương vị người đứng đầu Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: Đây là câu chuyện toàn cầu, nước nào cũng gặp phải tình trạng này và mỗi ngày tác hại của tin giả càng nặng nề hơn. Mạng xã hội đã thực sự là xã hội, không phải ảo nữa, ảnh hưởng của nó là thực, rất thực, không nên bỏ trống trận địa này.
 Ảnh minh họa.
Việt Nam đã có trung tâm quốc gia về giám sát An toàn thông tin, đây sẽ là nơi dùng để lắng nghe, phát hiện và phân loại thông tin tuy nhiên vẫn cần một công cụ hữu hiệu hơn để phần tích tin sai, một ngày có khoảng trên 100 triệu tin trên không gian mạng, người bình thường không thể đọc hết được, phải là máy làm, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó cũng cần mạnh tay yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải thực hiện yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai theo pháp luật Việt Nam. Nội dung này có thể học kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước EU, ASEAN đã làm với Facebook, với Youtube. Vấn đề là chúng ta phải kiên quyết thượng tôn pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Từ trước đó, Bộ TT&TT đã thiết lập kênh làm việc riêng cùng Facebook nhằm đối phó với tình trạng tin giả phát tán tràn lan. Việc phối hợp này cũng đã có một số kết quả ban đầu, tính đến hết tháng 6/2018, Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000 link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, xóa bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sự tích cực cũng được thể hiện qua việc mới đây Facebook đã mau chóng đóng cửa hàng loạt các Facebook giả mạo Ban Tuyên giáo T.Ư ngay khi nhận được yêu cầu từ phía Việt Nam.
Mặt khác, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, kết hợp với các bộ luật khác khiến công cụ về mặt pháp lý là tương đối đầy đủ nhằm tuyên chiến với vấn nạn tin giả. Điều này thể hiện rõ ràng khi trong quãng thời gian gần đây, đã có không ít trường hợp bị xử phạt hành chính lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự vì đưa tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận hoặc xuyên tạc lịch sử, chống phá Nhà nước.

Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dùng về thông tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội của Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử.

Số điện thoại đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp:

0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc địa chỉ thư điện tử online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong việc triệt tiêu tin giả trên mạng xã hội, từ quyết tâm của người đứng đầu Bộ TT&TT, sự phối hợp của các cơ quan quản lý cũng như pháp luật. Tuy nhiên, mặc dù công cụ để hiện thực hóa mục tiêu trên đã có tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực hiện vẫn còn lắm gian nan.
Bất hợp tác đến từ Facebook
Nói về việc xử lý tin giả trên Facebook, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, nếu các thông tin này được đăng tải bởi người dùng không ẩn danh và sống trong lãnh thổ Việt Nam thì mọi thứ sẽ dễ hơn nhiều, thậm chí là cả việc truy cứu trách nhiệm nếu có. Tuy nhiên, nếu người dùng ở nước ngoài, vấn đề lại hoàn toàn theo chiều hướng ngược lại, Facebook không mấy mặn mà trong việc kiểm soát những thông tin như vậy.
Theo ông Lê Quang Tự Do, điển hình là việc Facebook luôn dung túng cho những Fanpage có các hoạt động kích động chống phá Nhà nước và không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các nội dung này khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Đáng chú ý, các nội dung trên đó đều có tính chất xuyên tạc, sai sự thật khi không có căn cứ chính xác và thường xuyên được các thế lực xấu lợi dụng theo cách bài bản và có tổ chức để công kích chính quyền, bôi nhọ các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.
Rõ ràng những thông tin trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng Việt Nam, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 38 của Bộ TT&TT nhưng khi cơ quan quản lý nhiều lần yêu cầu Facebook xử lý thì mạng xã hội này đã liên tiếp trì hoãn, thậm chí trong nhiều trường hợp còn không gỡ bỏ khi viện lý do nội dung không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Thậm chí nếu không trì hoãn thì Facebook cũng mất rất nhiều thời gian để xóa các tin sai sự thật nhưng chỉ ít lâu sau đó các thông tin tương tự vẫn thường xuyên xuất hiện trở lại trên mạng xã hội mà không hề có bất kỳ cơ chế kiểm soát nào. Về việc xử lý trách nhiệm của đối tượng đăng tin giả, Facebook đã nhiều lần từ chối hợp tác khi được cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về những tài khoản vi phạm pháp luật Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nói.
Nói về sự bất hợp tác của Facebook khi làm việc với cơ quan quản lý của Việt Nam, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho biết mạng xã hội này luôn tìm cách trì hoãn và câu giờ. Từ việc triệt tiêu tin giả, tin sai sự thật cho đến mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, phía Facebook mặc dù hứa hẹn đủ điều nhưng luôn tránh né để phải ký kết thỏa thuận cụ thể bằng văn bản.
Thậm chí, Facebook còn cố tình gây sức ép đối với Việt Nam bằng việc thường xuyên nhờ tới các phái đoàn ngoại giao nhằm nâng vấn đề, viện cớ Việt Nam không tuân thủ việc thương mại tự do xuyên biên giới để đem lại các lợi thế cho mình.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm cũng khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ quan quản lý sẽ chứng minh cho Facebook thấy rằng, nếu mạng xã hội này không tuân thủ theo đúng pháp luật Việt Nam, các biện pháp kinh tế - kỹ thuật sẽ được đem ra áp dụng nhằm đảm bảo một môi trường mạng trong sạch cho người dùng trong nước.
Ủng hộ quan điểm trên, Chủ tịch công ty Cổ phần VNG Lê Hồng Minh cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên đổi dần biện pháp quản lý từ hành chính sang kỹ thuật. Có thể tính tới khả năng chặn nguồn doanh thu của các mạng xã hội này như tiền quảng cáo từ cá nhân, DN trong nước, qua đó tạo sức ép để họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. 
(còn nữa)