Tại buổi tọa đàm – tư vấn pháp luật trực tuyến, các luật sư, luật gia đã trả lời trực tuyến với độc giả xung quanh các quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng. Trong đó, phần lớn các câu hỏi xoay quanh việc giải quyết tố cáo trong những tình huống cụ thể. Bạn đọc Thái Toàn (TP Vinh, Nghệ An) băn khoăn, liệu cơ quan chức năng có giải quyết tố cáo qua Facebook?
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến cho hay, tố cáo qua mạng xã hội sẽ không được thụ lý giải quyết.
Luật Tố cáo 2018 vẫn tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo 2011): Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Luật Tố cáo 2018 quy định: Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo, người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này.
Tuy nhiên, trường hợp thông tin có nội dung tố cáo trên có các điều kiện sau sẽ được tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra. Đó là có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật; có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp Luật; có cơ sở để thẩm tra xác minh.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Ngọc Văn (Bách Khoa, Hà Nội) nêu ý kiến, việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo được thực hiện như thế nào để đảm bảo những nội dung tố cáo không chìm đi? Luật sư Nguyễn Quốc Việt cho biết, việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo được thực hiện chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý (Điều 36 Luật Tố cáo). Trường hợp việc giải quyết tố cáo không đúng quy định của pháp luật, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo (Khoản 1 Điều 37 Luật Tố cáo).
Ngoài ra, các luật sư cũng tư vấn những câu hỏi của bạn đọc xung quanh các vụ việc, tình huống: Hình thức tố cáo? Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; Người bị tố cáo sai sự thật có quyền yêu cầu xử lý người tố cáo sai sự thật đối với mình không? Nếu có thì mức hình phạt được quy định thế nào; Quy định về việc rút đơn tố cáo; Những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo; Bảo vệ người tố cáo được hiểu như thế nào…