Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hội trường tầng 5, Báo Kinh tế & Đô thị (số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện nay, khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm có sự tham gia của thị trường lao động phi chính thức.
Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm tới 49,4%, tập trung vào lao động nữ ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động nữ làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm đến 94,7% tổng số lao động làm thuê.
Không chỉ vậy, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ đối mặt với khó khăn trong việc gia nhập lực lượng lao động chất lượng cao. Lao động nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính của xã hội.
Những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do”... dựa trên nền tảng trực tuyến, như bán hàng trực tuyến, giao hàng, lái xe công nghệ... Những hình thức việc làm mới này dựa trên ứng dụng công nghề và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.
Với sự ra đời và phát triển của nền “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”... làm cho phân công lao động khu vực phi chính thức ngày càng đa dạng hơn. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm độc lập, nhất là kỹ năng nghề liên quan đến ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ. Có thể thấy, công nghệ là cơ hội nhưng cũng là rào cản với người lao động, nhất là những người trẻ chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.
Những vấn đề thời sự đó được đặt ra với yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm phù hợp với thực tế. Tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” được tổ chức ở thời điểm Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và đang lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân góp ý, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ VIII vào tháng 10/2024.
Vì thế, với những mong muốn người lao động phi chính thức có nhiều cơ hội được học nghề để trang bị kỹ năng cho công việc thời kỳ chuyển đổi số, Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”.
Khách mời tham dự tọa đàm gồm có:
- Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH;
- Bà Vũ Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội;
- TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Về phía Ban tổ chức, có sự tham gia của: PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông; Ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông; Bà Hoàng Phương Thảo - Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Thành viên Ban tổ chức Chương trình truyền thông; Ông Bùi Bá Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam; Ông Lê Hoàng Anh - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Ông Nguyễn Xuân Khánh – Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban thư ký Chương trình truyền thông.
Nội dung buổi tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” sẽ xoay quanh các vấn đề như thách thức và cơ hội cho lao động phi chính thức; đào tạo nghề ngắn hạn thế nào để phù hợp với thực tế. Cùng với đó, mức hỗ trợ học phí học nghề trong giai đoạn hiện nay, giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghề cho lao động phi chính thức tại các làng nghề, trong bối cảnh nền kinh tế số… Ngoài ra, Luật Việc làm (sửa đổi) hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam cũng sẽ được trao đổi tại Toạ đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Bước sang năm thứ 4 này, cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” đã được Ban tổ chức phát triển thành Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” với những hoạt động gợi mở và bứt phá.
Trong khuôn khổ Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” 2024, hôm nay, Ban Tổ chức thực hiện Tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đã thông tin về việc hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm gần 50%, tập trung vào nữ lao động ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số.
Lao động nữ khu vực phi chính thức bị hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có thể là nguyên nhân khiến họ không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù công việc đó có khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu. Không những vậy, lao động nữ phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính trong xã hội hiện đại.
Trong khi đó, những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành, như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do” dựa trên nền tảng trực tuyến. Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.
“Công nghệ là cơ hội nhưng cũng là rào cản đối với người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp. Những vấn đề mà người lao động khu vực phi chính thức đang gặp phải đã được Bộ LĐTB&XH là cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhận ra và đã có một số nội dung sửa đổi lớn” – PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác... để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger đến các việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng trực tuyến,...
Buổi tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” được tổ chức ở thời điểm Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và đang lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân góp ý, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10/2024.
Lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện, có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Con số này phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.
Khi phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết: Đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp. Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 đến 9 năm và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.
Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi trong nền kinh số - thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người.
Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm. Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn. Và, rất nhiều vấn đề thời sự đặt ra, cùng với đó là yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm 2013 cho phù hợp với thực tế.
Phó Trưởng Ban tổ chức Tạ Việt Anh cho rằng, buổi tọa đàm được diễn ra khi Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Vì thế, những nội dung các diễn giả nêu ra, đặc biệt là những khuyến nghị để sửa đổi Luật Việc làm liên quan đến đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội tham khảo để có quyết định thấu đáo trước khi bấm nút thông qua dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).