Cử tri lo lắng khi nhiều lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết gần kề
Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 năm 2022 của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng…
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người. Đáng lưu ý trong thời gian qua trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai…
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, trong 2 tháng qua, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐB Quốc hội đã tiếp 617 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 625 vụ việc và có 17 lượt đoàn đông người.
Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cùng với đó, quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến; có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới...
Bên cạnh đó chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, cá độ bóng đá…
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần bổ sung những khó khăn của doanh nghiệp vào báo cáo. Vì tháng 10 và tháng 11, tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường thiếu thanh khoản, đây là vấn đề doanh nghiệp đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý giải quyết.
“Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nới room tín dụng ngân hàng, còn trong tháng 10 và tháng 11, tiếp cận tín dụng trên thị trường tiền tệ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng rất khó khăn, thị trường chứng khoán thời điểm đó xuống dưới mức 1000 điểm, trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, bất động sản bán tháo”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Đồng thời thông tin, trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết các khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc các khó khăn cho các dự án bất động sản, chỉ đạo sửa đổi Nghị đinh 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đề nghị tháo gỡ cho các thị trường bất động sản, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp cần sớm được giải quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản.
Số lượng lao động hưởng BHXH tăng 11,6% mỗi năm
Làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho biết: Về những vấn đề tình sử dụng chất ma túy trong trường học, Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp với Bộ GD&ĐT để đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh sinh viên để chủ động phòng ngừa. Thời gian qua có tiền chất ma túy mới được các đối tượng sử dụng, Bộ Công an đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân.
Về giải quyết tội phạm nói chung, đại diện Bộ Công an cho biết trong 11 tháng của năm 2022 đã giải quyết 39.755 vụ án hình sự, so với năm 2019 trước thời kỳ Covid-19 đã giảm 13,71%. Các đơn vị đã tập trung đấu tranh triệt phá 590 băng nhóm tội phạm, giảm 54,96% so với năm 2019 trước thời kỳ Covid-19.
Liên quan đến việc nhiều lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua số liệu giải quyết bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có trên 4 triệu người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần chưa tính số lượng người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết. Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm chiếm 98,8% tổng số cái lượt người hưởng một lần trong giai đoạn 2016-2021, số người hưởng một lần theo các điều kiện khác thì chiếm ít hơn...
Thời gian vừa qua, tốc độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng qua các năm. Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do các chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Đồng thời còn do tác động tiêu cực của các dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Như vậy, trong năm năm qua bình quân khoảng trên 800.000 người một năm rút bảo hiểm một lần.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng bảo hiểm xã một lần ước năm 2022 là 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. So với bình quân các năm vừa qua, mức tăng ước của năm 2022 không phải bất thường. Việc hưởng bảo hiểm một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế xã hội. Do đó trong thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để tăng thu nhập cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Đồng thời, khi đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.