Tỉnh Phú Thọ tổ chức các hoạt động được nhằm gắn kết với du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch văn hóa.
Điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Lễ hội đền Hùng) mùng 10 tháng Ba Âm lịch hằng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Năm 2024, tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ từ ngày 9 đến 18/4 (tức từ ngày 1 đến mùng 10 tháng Ba) với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn.
Các hoạt động mang đậm giá trị văn hóa truyền thống nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ biết ơn sâu sắc các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong ngày 17/4, người dân thập phương đã hành hương về Khu di tích lịch sử đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Đúng 7 giờ sáng, tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, đã có rất nhiều du khách thập phương về dâng hương cũng như tham gia các hoạt động tổ chức trong thời gian tổ chức Lễ Giỗ Tổ.
Chia sẻ với phóng viên, anh Đào Công Tuấn (Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết: “Dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân tại đền Hùng đã trở thành nét đẹp của người Việt. Mỗi khi đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, các hoạt động được diễn ra trong cả tuần nên người dân thoải mái thu xếp thời gian đi dâng hương.
Nhiều năm qua, lượng người đông trong chính lễ nên tôi và gia đình lựa chọn đi trước, dù năm nay ngày chính lễ rơi vào ngày thường nhưng lượng người thành tâm đến dâng hương vẫn là khá đông, điều này thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ” – anh Đào Công Tuấn chia sẻ.
Những ngày này, hàng nghìn người dân hướng về đất Tổ để tỏ lòng thành kính, vượt khoảng 200km từ Hoằng Hoá (Thanh Hoá) về với Khu di tích lịch sử đền Hùng dâng hương: “Lần đầu tiên về với đền Hùng, tôi và gia đình đều bỡ ngỡ trước vẻ đẹp linh thiêng. Nhìn chung những người dân đi lễ đã có ý thức hơn để tránh những hình ảnh phản cảm, tạo nên sự tĩnh tâm trong mỗi người cũng như hướng về đất Tổ”
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng Ba Âm lịch hàng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Hàng nghìn du khách thập phương về với đất Tổ để tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân.
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự tại Khu di tích, các lực lượng chức năng đã lên kế hoạch, công an lập hàng rào ngay tại cổng đền và phân công trực tại các điểm tập trung đông người để hướng dẫn, phân luồng cho du khách, không để xảy ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông. Cùng với đó, bố trí lực lượng quan sát từ tầm cao, tầm xa để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho du khách về với đền Hùng trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.
“Mặc dù lượng du khách về đền Hùng đông nhưng phía Ban Tổ chức luôn chủ động xây dựng các phương án để đảm bảo an toàn, an ninh, tiếp tục xây dựng và khẳng định hình ảnh Lễ hội đền Hùng là lễ hội mẫu mực, văn minh của cả nước” – ông Lê Trường Giang khẳng định.
Quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Năm 2024, tỉnh Phú Thọ tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết với du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ.
“Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước.
Giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên. Sự kiện còn nhằm tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung” – Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động khác đã diễn ra như: Trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, sách báo, tư liệu ảnh tại Thư viện tỉnh Phú Thọ (thành phố Việt Trì), Bảo tàng Hùng Vương (Khu di tích lịch sử đền Hùng); chương trình âm nhạc đường phố "Việt Trì livemusic" tại Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì; Hội trại văn hóa và trưng bày sản phẩm đặc trưng.
Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống tại Nhà công quán thuộc Khu di tích lịch sử đền Hùng. “Đặc sản” của Lễ hội đền Hùng còn có trình diễn hát xoan làng cổ tại các phường xoan gốc trên địa bàn thành phố Việt Trì, gồm: Đình An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô; lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử đền Hùng…
Tỉnh Phú Thọ đã tổ chức một số hoạt động thể thao, thương mại hấp dẫn như: Giải bóng chuyền các đội mạnh tranh Cup Hùng Vương tại Nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tỉnh; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024 tại sân vận động Bảo Đà.
Hội thi bơi chải mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì; biểu diễn múa rối nước tại Nhà múa rối; Triển lãm mỹ thuật chủ đề "Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ"; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Khu di tích lịch sử đền Hùng. Đặc biệt, Lễ hội đền Hùng năm nay có chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại hồ Công viên Văn Lang, diễn ra tối 17/4 (ngày 9 tháng Ba Âm lịch).
Nhiều hoạt động được tổ chức như theo thông lệ như Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ vào sáng 6/3 Âm lịch. Lễ rước kiệu về đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích từ ngày 9 đến 18/4. Vào sáng ngày 18/4 (mùng 10 tháng Ba Âm lịch) sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh và lễ dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong".