Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc: tình yêu trở thành “nạn nhân” của nền kinh tế khó khăn

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế suy giảm, giới trẻ Trung Quốc không còn mạnh tay chi tiền trong ngày lễ Thất tịch.

Vào tháng 7-8 hằng năm, việc các cặp đôi trẻ trao nhau những bó hoa hồng lớn đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong ngày Thất tịch, một dịp lễ cổ truyền tôn vinh tình yêu và sự chung thủy của người Trung Quốc.

Trước đây, người Trung Quốc thường thể hiện tình cảm bằng cách tặng nhau những món đồ hiệu đắt tiền như: điện thoại Iphone, túi xách Louis Vuitton và chia sẻ điều đó lên mạng xã hội. Đó là thời điểm mà nền kinh tế của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, lễ hội năm nay lại hoàn toàn trái ngược. Nhiều người lên mạng than thở vì không được tặng quà và cảm thấy buồn do nền kinh tế khó khăn.

Khung cảnh lễ hội trong ngày lễ Thất tịch tại Trung Quốc trong những năm trước. Ảnh: CNN
Khung cảnh lễ hội trong ngày lễ Thất tịch tại Trung Quốc trong những năm trước. Ảnh: CNN

“Tiêu dùng giảm mạnh trong ngày lễ Thất tịch” đã nhanh chóng trở thành chủ đề hot nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút 200 triệu lượt xem. Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có phải giới trẻ không muốn trả ‘thuế tình yêu’?”

Cư dân mạng Trung Quốc đều thừa nhận lễ Thất tịch năm nay vắng lặng và thiếu không khí sôi động, náo nhiệt như những năm trước.

Các chủ cửa hàng hoa cũng lên mạng xã hội Xiaohongshu than phiền về tình trạng kinh doanh ế ẩm với hình ảnh những bó hoa hồng chưa bán được chất đầy cửa hàng.

Điều này là do nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, từ sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khủng hoảng bất động sản kéo dài đến gánh nặng nợ công ngày càng lớn.

Giáo sư Alfred Wu, giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc giới trẻ Trung Quốc đang gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm buộc họ phải chi tiêu thận trọng hơn.

Theo một chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm chi tiêu này đã được ghi nhận trong hai năm qua và chưa có dấu hiệu cải thiện. Đồng thời, ông cho biết việc người dân đang cảm thấy không tự tin về kinh tế dẫn đến sụt giảm chi tiêu. 

Những khó khăn về tài chính khiến người trẻ tại Trung Quốc trì hoãn việc kết hôn và sinh con. Điều này gây khó khăn cho Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề già hóa dân số và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Theo số liệu của Bộ Dân chính, chỉ có 3,43 triệu cặp đôi tiến hành đăng ký kết hôn trong nửa đầu năm 2024, giảm một nửa so với cùng kỳ 10 năm trước.

Dù Chính phủ đã đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, tuy nhiên không thuyết phục được nhiều người. Họ cho rằng việc xây dựng một gia đình hạnh phúc trong tình hình kinh tế khó khăn và thời gian làm việc nhiều như hiện nay là điều không hề dễ dàng.

Theo dữ liệu của Cục quản lý ngoại hối, việc dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh cho thấy nền kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn và không còn hấp dẫn các nhà đầu tư như trước.

Việc người dân cắt giảm chi tiêu cũng khiến các công ty nước ngoài gặp trở ngại trong việc bán hàng tại thị trường nước này.

Nếu những năm trước, lễ Thất tịch là cơ hội tốt cho các công ty này tăng doanh số bán hàng thì hiện nay điều đó đã thay đổi. Các CEO toàn cầu đang tỏ ra thận trọng trong việc dồn nguồn lực đầu tư vào Trung Quốc.

Cả Volkswagen và Mercedes, hai thương hiệu ô tô nổi tiếng toàn cầu, cũng nhận thấy rằng tâm lý tiêu dùng của người Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19. Điều này khiến người dân nước này đang hết sức thận trọng trong việc chi tiêu.