Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn khó xử lý tài sản thế chấp khi thi hành án

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của các tổ chức tín dụng trong xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp.

Theo Cục THADS Hà Nội, nhiều vụ việc THA gặp khó khăn khi xử lý tài sản thế chấp bởi nhiều tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng thực tế như: Diện tích đất thế chấp không đúng thực tế, tài sản không đủ theo hợp đồng, không nhận thế chấp tài sản gắn liền trên đất, trên đất có tài sản là nhà ở của người khác... Thậm chí, có trường hợp khi thế chấp chỉ có nhà cấp 4 hoặc 1 - 2 tầng, nhưng đến thời điểm xử lý bảo đảm THA, thì người có tài sản đã xây dựng thêm tầng, không giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc THA gặp khó khăn là do giá trị hợp đồng thế chấp cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản. Hầu hết các vụ việc THA liên quan đến thế chấp tài sản, thì việc bán đấu giá tài sản thế chấp không thể đủ thanh toán cho nghĩa vụ bảo đảm.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, kết quả THADS về tiền của các cơ quan THADS trên địa Hà Nội còn thấp, đạt tỷ lệ 10,61% (thiếu 22% so với chỉ tiêu được giao). Số việc và tiền thụ lý mới tăng nhiều, đặc biệt là án tín dụng ngân hàng. Cùng với đó, án kinh tế tham nhũng gia tăng với tính chất phức tạp, trong đó có những vụ có giá trị phải thi hành rất lớn như vụ Giang Kim Đạt - Trần Văn Liêm; vụ Nguyễn Văn Tuẫn, Bùi Mạnh Hà (có trên 200 nguyên đơn dân sự, số tiền phải thi hành trên 167 tỷ đồng); vụ Hà Văn Thắm; vụ Trịnh Xuân Thanh... Nhiều Chi cục THADS khả năng không hoàn thành chỉ tiêu THA về tiền. Việc xử lý tài sản thế chấp, bảo đảm gặp khó khăn. Toàn TP có 242 việc với hơn 1.959 tỷ đồng bán đấu giá không thành và 173 việc với hơn 221 tỷ đồng bán đấu giá thành, nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Để góp phần tháo gỡ những bất cập trên, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhằm khắc phục tình trạng một số quy định còn chưa phù hợp hoặc thiếu hiệu quả, còn chồng chéo. Đặc biệt, cần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các tổ chức tín dụng, các cơ quan hữu quan trong xử lý nợ xấu, thi hành dứt điểm các vụ việc. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh thực hiện chặt chẽ thủ tục, hồ sơ cho vay đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

Theo Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến, để khắc phục những khó khăn trên phải nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong THADS. Ngoài ra, kịp thời đề xuất Ban Chỉ đạo THADS chỉ đạo những vụ việc THA lớn, phức tạp, các vụ việc cần phối hợp tổ chức cưỡng chế THA, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá. Cùng với đó, Cục THADS TP Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn; đồng thời làm việc với các chi cục Đống Đa, Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Ba Đình… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, trong đó, đặc biệt chú ý đến việc xử lý tài sản thế chấp khi THA.