Độc đáo nghìn nămLàng Đăm (kẻ Đăm) bây giờ được gọi tên là phường Tây Tựu, vẫn với 3 thôn: Thượng, Trung và Hạ. Theo các nhà ngôn ngữ học, những làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có chữ “kẻ” ở đầu đều là làng cổ. Đây cũng là đất của nhiều sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị lịch sử: Đình Đăm, Đại Đình, Chính Ngự, Nhà Vũ Ca, Nghi Môn, Thủy Đình, Nhà Thuyền, Miếu thôn Thượng, Văn Chỉ… và điểm nhấn chính là lễ hội bơi Đăm.
Hội bơi Đăm gắn liền với di tích miếu Tây Đam, diễn ra từ mùng 9 – 11/3 Âm lịch hàng năm, khi người nông dân đã xong việc cấy cày và cây lúa, cây rau cũng đã bén rễ. Thế nên, hội bơi Đăm rất đông du khách, nhiều nghi lễ tín ngưỡng, lắm trò chơi dân gian, nhưng sôi động nhất vẫn là bơi Đăm (đua thuyền) diễn ra trong hai ngày 10 và 11/3 (Âm lịch).
Hội bơi Đăm mở tại nhánh của sông Nhuệ hay còn gọi là khúc sông Thủy Giang, dài gần 1km, rộng chừng hơn trăm mét. Theo các cụ cao niên trong làng, có 6 thuyền tham gia Hội, được đánh số, chia đều cho 3 thôn. T
huyền thôn Thượng gắn đầu Hạc, đánh số 1 và 4; thuyền thôn Trung gắn đầu Rồng đánh số 2 và 5; thuyền thôn Hạ đầu Ly đánh số 3 và số 6. Ngoài ra còn có thêm một thuyền thứ 7 gọi là thuyền Quan làm nhiệm vụ giám sát cuộc đua.
Tối ngày 24/4, UBND quận Bắc Từ Liêm sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Lễ hội bơi Đăm. Bên cạnh nghi lễ trình Thánh, còn có các hoạt động liên hoan văn nghệ, các gian hàng giới thiệu sản vật của làng. Dự kiến, Hội bơi Đăm 2018 sẽ thu hút khoảng 20.000 người tham dự. |
Thuyền giải Nhất vinh dự chở ngai Thánh từ Thủy tọa về miếu Thượng. Đến với Hội bơi Đăm, du khách còn hiểu thêm về truyền thuyết dân gian gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, về một hội bơi chải mang tinh thần thượng võ, quyết liệt như một buổi luyện quân với những kỹ năng điêu luyện như cách búng thuyền, dóc thuyền, lạng thuyền, vuốt góc.
Trở về với không gian truyền thốngTheo một số người cao tuổi trong làng, lần cuối cùng hội làng Đăm tổ chức là năm 1940. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến năm 1994, làng không tổ chức hội nhưng có 4 lần khôi phục hội bơi: Lần đầu tiên vào năm 1955 là khi mừng kháng chiến chống Pháp thắng lợi và nhằm khuấy động phong trào xây dựng đời sống mới; lần thứ 2 vào năm 1957; lần thứ 3 vào năm 1973 là khi đón Quốc trưởng Campuchia sang thăm nước ta; lần thứ 4 bơi tại hồ Hoàn Kiếm là năm 1974 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đến năm 1994, theo xu thế phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống, thì hội được khôi phục và tổ chức một cách công phu, trang trọng. Lễ hội được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Những năm hội chính, dân làng tổ chức rước kiệu, bơi thuyền và đấu vật. Vào những năm hội lệ, các cụ chỉ tế lễ ở đình, miếu và tổ chức một số trò chơi dân gian như: Đập nồi đập niêu, đấu vật…
“Năm 2018, Hội bơi Đăm đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chính vì vậy Nhân dân Tây Tựu lại hạ thuyền, đánh trống mở hội. Toàn bộ 6 thuyền bơi và 1 thuyền Quan được đưa xuống dòng sông Pheo để ngâm thuyền và phục vụ lễ hội. Từ ngày 7/4, Nhân dân nô nức tập luyện chuẩn bị cho lễ chính, là dịp để dân làng thể hiện những nét độc đáo trong văn hóa, nhằm quảng bá hình ảnh của Tây Tựu đến du khách” – Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đặng Trần Phi – Trưởng Ban tổ chức lễ hội bơi Đăm cho biết.
Hội bơi Đăm là một trong những lễ hội còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đất Thăng Long xưa. Năm nay, UBND phường Tây Tựu bên cạnh việc tái dựng, tổ chức lễ hội, sẽ phục hồi nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống như: Nghi lễ hầu thánh của trai bơi, trang phục bơi…