Đề nghị thu hồi nhà 185 Hai Bà Trưng trả cho Nhà nước
Ngày 17/11, phiên tòa sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử tiếp tục với phần luận tội của đại diện Viện KSND thành phố, các bị cáo tự bào chữa và phần tranh luận.
Đại diện Viện KSND nhận định trong suốt quá trình điều tra, tại phiên tòa diễn ra vào tháng 3/2021 và phiên tòa này, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội và luôn cho rằng bị oan, không lừa dối ai, nhà 57 Cao Thắng không chế chấp ai. Bị cáo cũng không ký nhận nợ 8.700 lượng vàng của Agribank TP Hồ Chí Minh mà bị ngân hàng này lừa, hồ sơ của ngân hàng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)…, đều là tài liệu giả.
“Dù không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng ở phiên tòa trước, bị cáo Diệp thừa nhận mục đích hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Tài sản của bị cáo Diệp) với nhà đất 185 Hai Bà Trưng (Tài sản của Nhà nước) nhằm hợp khối với những nhà đất sát số 185. Bị cáo Diệp vẫn dùng bản photocopy có chứng thực để cung cấp cho Ban Chỉ đạo 09 thành phố để hoán đổi nhưng không thông báo cho Ban Chỉ đạo 09 biết là đã thế chấp tài sản 57 Cao Thắng. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của mình là không có căn cứ. Vì bị cáo trực tiếp ký hợp đồng thế chấp ngày 31/12/2008. Bị cáo cũng nhiều lần làm việc, cam kết sau khi hoán đổi sẽ dùng tài sản 185 Hai Bà Trưng để trả nợ nhằm giải chấp nhà 57 Cao Thắng”, đại diện Viện KSND nhận định.
Đại diện này cũng đưa dẫn chứng vào ngày 8/8/2016 giữa bị cáo Diệp với ngân hàng ký biên bản cam kết chậm nhất tháng 9/2016 thực hiện xong việc hoán đổi nhà; Ngày 20/5/2017 ký biên bản cam kết chậm nhất tháng 6/2017 thực hiện xong việc hoán đổi tài sản… và nhiều tài liệu khác có cùng nội dung liên quan việc hoán đổi nêu trên. Các tài liệu đã được kiểm định và chuyển đến TAND thành phố để xem xét.
Bị cáo Diệp cố tình chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng có giá trị trên 186 tỷ đồng. Do đó cáo trạng truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ pháp luật, đúng người đúng tội. Trong vụ án này, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của Nhân dân.
Từ những nhận định trên, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tiếp tục phong tỏa hơn 50.600 USD của bị can Đào Thị Hương Lan (Nguyên Giám đốc Sở Tài chính) đã bỏ trốn, khi bắt được bị can này sẽ xử lý sau. Đề nghị HĐXX tuyên thu hồi tài sản 185 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, đây là vật chứng vụ án để trả lại cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ quản lý, sử dụng và dành quyền khởi kiện của các bên liên quan trong vụ kiện dân sự khác.
Trước khi đổi nhà, cho ông Vy Nhật Tảo vé đi Mỹ ăn Tết
Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) tiếp tục kêu oan, liên tục khẳng định không thế chấp nhà 57 Cao Thắng cho bất kỳ khoản vay nào, hợp đồng thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng là giả mạo, gian dối.
Trong phiên xử chiều hôm qua và hôm nay, bị cáo Diệp tiếp tục đưa ra 21 tài liệu (18 trang) về các khoản vay giữa Công ty Diệp Bạch Dương với Agribank TP Hồ Chí Minh để khẳng định không thế chấp tài sản 57 Cao Thắng cho ngân hàng.
Bị cáo Diệp nói vào năm 2008 Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp nhiều bất động sản cho Seabank để vay 1.053 tỷ đồng. Sau đó giữa bị cáo với Agribank TP Hồ Chí Minh ký 3 hợp đồng tín dụng và 18 giấy lĩnh vàng vay tổng cộng 67.000 lượng của ngân hàng này để tất toán các khoản nợ tại Seabank. Agribank sẽ nhận lại các tài sản của bị cáo tại Seabank sau khi giải chấp.
Bị cáo Diệp cho rằng các hợp đồng tín dụng nêu trên chỉ ký khống, bị cáo chưa cầm một lượng vàng nào. Agribank TP Hồ Chí Minh đã đánh tráo nghĩa vụ trả nợ, vì các tài sản thế chấp ở Seabank không bao gồm nhà đất 57 Cao Thắng.
“Tôi khẳng định trong hợp đồng 1538 đã bị đánh tráo nội dung tín dụng. Hiện nay căn nhà 57 Cao Thắng không thế chấp. Như vậy, lấy cơ sở nào để nói rằng nhà đã thế chấp? Khi đã thế chấp phải có giấy nhận nợ, vậy giấy nhận nợ ở đâu đưa ra đây. Bằng những giấy tờ photocopy giả mạo và những người tham gia vụ này hôm nay không có mặt. Những vấn đề tôi yêu cầu đưa ra tài liệu thế chấp căn nhà trên là chính đáng, không thể dùng hợp đồng giả để gọi là thế chấp. Agribank TP Hồ Chí Minh phải có giấy nhận nợ, bắt buộc phải có giấy lĩnh vàng, lĩnh tiền, phải có đủ 5 chữ ký. Cái nào ghi thế chấp nhà 57 Cao Thắng để lãnh 8.700 lượng vàng, đưa cho tôi xem”, bị cáo Diệp tự bào chữa.
Bị cáo Diệp cũng khẳng định: “Không gian dối với cả ông Vy Nhật Tảo trong việc hoán đồi tài sản. Ông Tảo nói tôi đưa cho ông Tảo coi giấy tờ. Vậy coi ở đâu, giấy tờ nào? Bằng chứng phải có ngày, tháng. Cần thiết tôi nói ngày, tháng ra cho ông Tảo nghe ở đâu, như thế nào. Năm đó, ông Tảo đi Mỹ ăn Tết, xin tôi cái vé đi Mỹ. Gần Tết năm 2008, tôi cho ông Tảo vô nhà tôi xem giấy tờ, sau đó ông Tảo mới đi Mỹ. Ông Tảo không nhớ để tôi nhắc cho nhớ”.
Bị cáo Diệp cũng khẳng định công chứng xác định không thế chấp, Sở Tư pháp xác định không thế chấp thì bị cáo vay với ai? Sở Tài nguyên và Môi trường không có trong hệ thống đăng ký giao dịch đảm bảo thì hồ sơ vay có phải là giả không? Bị cáo đã vay là nhận nợ, đã nhận nợ thì phải có giấy tờ. Vậy giấy tờ đâu?
Đối với nhóm bị cáo can tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Viện KSND thành phố đề nghị HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Vy Nhật Tảo (SN 1956, Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1952, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&TM) mỗi người từ 5 - 6 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Thành Rum (SN 1953, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL) và Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở TN&MT) từ 4 - 5 năm tù; Lê Văn Thanh (SN 1962) và Huỳnh Kim Phát (SN 1954, cả 2 nguyên là Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố) từ 3 - 4 năm tù; Lê Tôn Thanh (SN 1956, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) và Trần Nam Trang (SN 1959, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. |