Có mặt tại tòa với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (tiền thân Công ty CP nước sạch Vinaconex) đã không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường chi phí khắc phục sự cố số tiền hơn 16,6 tỷ đồng. Vậy vì sao đơn vị này không yêu cầu phải bồi thường và quyết định này có đúng luật hay không?
Không yêu cầu bồi thườngTheo cáo trạng, Dự án cấp nước sông Đà do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO. Dự án được xây dựng từ năm 2004 và đến tháng 4/2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác liên tục xảy ra sự cố vỡ ống. Theo đó, từ ngày 4/2/2012 - 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ và DN khai thác đã phải chi hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục. Khi giám định, Bộ Xây dựng kết luận, nguyên nhân vỡ là do chất lượng ống không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền không đạt 50 năm…Dù phải bỏ ra số tiền hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vỡ ống truyền tải nước, nhưng ngày 25/4/2016, HĐQT Công ty CP nước sạch Vinaconex lại “bất ngờ” có nghị quyết nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan phải bồi thường số tiền này. Tại phiên tòa, đại diện Tổng Công ty Vinaconex cho biết, dự án có 8 hạng mục chính với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng. Dự án đã lãi 116 tỷ đồng trong khi thiệt hại là 16,6 tỷ đồng và số giờ mất nước của người dân chỉ 0,56%.Đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cũng cho biết, khi DN này thành lập thì Vinaconex chiếm 100% vốn sở hữu, nhưng đến nay đã bán hoàn toàn cổ phần. Mặc dù vậy, phía công ty không yêu cầu bị cáo phải bồi thường do căn cứ vào nghị quyết của HĐQT. “Do đây là dự án đầu tiên áp dụng công nghệ mới nên khó tránh khỏi sự cố. Từ đó, chúng tôi đã nhất trí không yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải khắc phục thiệt hại do đường ống vỡ xảy ra” – đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cho hay.Khắc phục một phần hậu quảLiên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ vào hành vi phạm tội của các bị cáo theo kết luận của các cơ quan tố tụng thì cần xác định, ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và thuộc trường hợp “Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” quy định tại Điều 589 Bộ Luật dân sự 2015.Tuy nhiên, vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà ở đây thiệt hại về tài sản chỉ là quan hệ dân sự, nên quyền yêu cầu bồi thường lại do nguyên đơn dân sự thực hiện. Đồng thời, yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền chứ không phải nghĩa vụ, nên nguyên đơn có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Vì vậy, xét về mặt pháp luật, việc vỡ ống nước sông Đà gây ra thiệt hại, nhưng Vinaconex đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo bồi thường thì vẫn đúng luật.Còn xét về mặt trách nhiệm trong việc quản lý, luật sư Hướng lại cho rằng, sử dụng tài sản Nhà nước cũng chính là tài sản chung của Nhân dân. Vì vậy, việc Vinaconex là một DN có vốn Nhà nước đã dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí cho việc khắc phục hậu quả 16,6 tỷ đồng mà không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại thì chưa “thấu tình, đạt lý”. Bởi trong tiền vốn của Vinaconex có phần vốn của Nhà nước, nên hành vi gây thiệt hại đến tài sản của Vinaconex cũng chính gây thiệt hại đến tài sản chung của Nhân dân.
Tài sản của Nhân dân bị các cá nhân gây thiệt hại, nhưng lại tiếp tục lấy ở đó để bù vào và khắc phục thiệt hại mà không yêu cầu bồi hoàn thì không hợp lý. Từ đó, luật sư Hướng cho rằng, dù thiệt hại lớn và các bị cáo khó có khả năng bồi thường toàn bộ nhưng Vinaconex cũng cần yêu cầu khắc phục một phần hậu quả mới đảm bảo khách quan.