Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ “Vinasun kiện GrabTaxi”: Tòa tiếp tục xét hỏi số tiền Vinasun đòi bồi Grab thường

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau thời gian nghị án kéo dài, đến ngày 29/10 thay vì tuyên án thì HĐXX quay lại phần xét hỏi. Hôm nay, HĐXX tiếp tục… xét hỏi số tiền mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường trên 41,2 tỷ đồng.

Ngày 22/11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ Công ty Cồ phần Ánh Dương Việt Nam (sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 41,2 tỷ đồng.
 Đại diện theo pháp luật của Grab đang trả lời các câu hỏi của chủ tọa.

Chủ tọa phiên tòa hỏi trong quá trình tòa tạm dừng phiên tòa, giữa 2 bên có thỏa thuận gì khác hay không và có cung cấp thêm tài liệu gì mới? Đại diện theo pháp luật của cả nguyên đơn Vinasun lẫn bị đơn Grab đều khẳng định không thỏa thuận và không cung cấp thêm tài liệu mới, cả 2 phía giữ nguyên quan điểm. Vì vậy HĐXX tiếp tục quay trở lại phần xét hỏi, xoáy quanh vấn đề Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại và phải bồi thường.
Theo chủ tọa, sau khi phiên tòa ngày 29/10 tạm dừng, tòa án đã có văn bản yêu cầu Công ty Giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long - PV) giải thích căn cứ kết luận việc Vinasun giảm giá trị vốn thị trường từ tháng 1/2016 đến năm 2017 có phải do hoạt động của Grab gây ra? Công ty Cửu Long cho rằng dựa vào các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán cho thấy khi điểm số chứng khoán của TP Hồ Chí Minh hơn 500 điểm, thì cổ phiếu của Vinasun 21.000/cổ phiếu. Sau đó, điểm số chứng khoán của TP Hồ Chí Minh tăng hơn 700 điểm, nhưng cổ phiếu của Vinasun giảm còn 14.000/cổ phiếu. Nguyên nhân giảm là do Vinasun tăng chiết khấu để giữ tài xế không chạy sang Grab. Báo cáo của Công ty Cửu Long cũng cảnh báo hoạt động của Grab, Uber đe dọa thị phần của Vinasun.
 Từ sáng sớm đã có rất nhiều tài xế Vinasun đến tòa.
Khi chủ tọa công bố văn bản của Công ty Cửu Long, đại diện Grab không đồng ý với lý do Công ty Cửu Long dựa vào báo cáo của các công ty chứng khoán, nhưng các thông tin, số liệu không chính xác. Báo cáo viết ra để phục vụ các đối tượng đối tác, khách hàng chứng khoán. Báo cáo của Công ty Cửu Long cũng nêu rõ các công ty này không chịu trách nhiệm về độ chính xác và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Bản giám định của Công ty Cửu Long không chỉ ra căn cứ nào cho thấy hoạt động của Grab gây thiệt hại cho Vinasun.
Tuy nhiên đại diện Vinasun cho rằng các số liệu trong báo cáo của Công ty Cửu Long là một trong những cơ sở chứng minh thiệt hại của Vinasun chứ không phải là căn cứ duy nhất. “Grab gây thiệt hại cho Vinasun đã được chứng minh qua các phiên tòa trước đó. Grab vi phạm pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun”, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, khẳng định.
Sau khi nghe ý kiến của nguyên đơn và bị đơn, chủ tọa cho dừng phiên tòa và sẽ tiếp tục vào chiều mai 23/11.