Xây dựng lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa y tế

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả nước có 13.000 cơ sở y tế, hàng năm có gần 150 triệu bệnh nhân (BN) nội trú, hơn 450 triệu BN ngoại trú, chưa kể một số lớn cộng đồng Nhân dân sử dụng các sản phẩm của y tế. Vì vậy, số lượng chất thải nhựa y tế là rất lớn. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra, đặc biệt là chất thải nhựa trong ngành y tế, không chỉ cần thay đổi nhận thức của nhân viên y tế, BN, người nhà BN mà còn cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Ảnh minh họa.
Chất thải nhựa chiếm 5% trong số chất thải y tế
Trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn, trong đó chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn (chiếm 99,1%); tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn, trong đó có 114.219 tấn được xử lý (chiếm 98,4%).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Hà cho biết, đến thời điểm này, Cục chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành hàng năm. Tuy nhiên, qua khảo sát, tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại BV K, Phổi T.Ư, Đa khoa T.Ư Cần Thơ khoảng 10 – 45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12 - 17%.

Trong khi đó, báo cáo nhanh từ một số BV cho thấy, khoảng 5% trong số chất thải y tế là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày. Do đặc thù, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, BN và người nhà BN tại cơ sở khám, chữa bệnh làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của BN.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các BV, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao. “Nếu các loại chất thải này không được kiểm soát tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Hành động để giải quyết hiểm họa

Việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, BN và người nhà BN về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế phát sinh chất thải nhựa là một quá trình. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các cơ sở y tế đã tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, BV Phụ sản T.Ư đã phát động chương trình hành động vì môi trường, với chủ đề “Giảm thiểu rác thải nhựa” theo Chỉ thị của Bộ Y tế. Đó là các hoạt động tập huấn về “Rác thải nhựa - nguy cơ và hành động của cán bộ y tế”, cuộc thi tuyên truyền về môi trường, thu gom rác thải nhựa, bỏ túi đựng thuốc nhựa tại khoa Sản thường, thay cốc đựng xét nghiệm nhựa bằng cốc thủy tinh tái sử dụng…

Trong khi, BV K, BV T.Ư Huế, BV Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) đã vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ, người nhà BN cùng giảm thiểu rác thải nhựa; đưa ra các khẩu hiệu hành động “Hạn chế phát sinh - phân loại đúng - thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý - xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế. Ngoài ra, nhiều đơn vị khác trong ngành, như Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị thuộc Sở Y tế Hải Phòng, Bình Định, Đồng Tháp đã tích cực hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa y tế.

Với nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, các đơn vị ngành Y cần từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, BN, người nhà BN... Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn, thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần và nilon khó phân hủy trong đơn vị.
Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phát động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Các đơn vị cần tuân thủ thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo đúng quy định. Sở Y tế sẽ tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế. (Tâm Lê)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần