Hôm nay (6/12) tại Bộ Nội vụ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán CH Pháp tại Việt Nam và Viện Quản trị Chandler (Singapore) tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và hội nhập quốc tế”, với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và đến từ Pháp, Italia, Nga, Thụy Điển, Singapore, Malaysia, Campuchia, Nigeria...
Quang cảnh Hội thảo quốc tế |
PSG.TS. Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội khẳng định, chất lượng đội ngũ CBCC không chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động từng cơ quan nhà nước mà còn ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của nền công vụ quốc gia, tác động tới hiệu quả quản trị quốc gia. Kết quả công việc, năng lực thực thi công vụ của CBCC phản ánh rõ nét nhất hiệu quả hoạt động của nền công vụ, hiệu quả của hoạt động điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Vì vậy, nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC là nâng cao chất lượng hoạt động động công vụ. Nhà nước Việt Nam xác định, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài nên phải thực hiện thường xuyên để nâng cao năng lực CBCCVC hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Quản trị quốc gia với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và hội nhập quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao trong xu hướng nền hành chính hội nhập và phục vụ. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền công vụ.
Với tham luận “Tầm nhìn Việt Nam 2045 và Chiến lược đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng”, PGS.TS. Vũ Minh Khương (Viện Quản trị Chandler) đã nêu bật những xu thế lớn toàn cầu đang tác động tới sự phát triển của các quốc gia trên thế giới là: Toàn cầu hóa; sự trỗi dậy của khu vực châu Á; quá trình đô thị hóa; dân số ngày càng già hóa; phát triển bền vững trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia; thực hiện trách nhiệm xã hội của các chủ thể trong xã hội. Những xu thế này đang tác động mạnh mẽ tới cách thức xác lập thể chế, vận hành quản trị quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặt ra những thách thức đòi hỏi những nỗ lực cải cách vượt bậc của Việt Nam. Từ đó, PGS.TS. Vũ Minh Khương đưa ra những gợi ý hết sức quan trọng để xác định khung năng lực cốt lõi của đội ngũ CBCCVC, nhằm xác định các nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng để Việt Nam có được đội ngũ lãnh đạo tinh hoa vận hành đất nước.
Trong khi đó, ông Wu Wei Neng - Giám đốc điều hành Viện Quản trị Chandler cho rằng, các nhà lãnh đạo cấp cao có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và thường là có hiểu biết hơn cả giảng viên, cùng đảm nhiệm nhiều trọng trách và có ít thời gian tham gia đào tạo. Song, do bối cảnh thay đổi nhanh chóng và những thách thức mới trong công tác quản trị, ngay cả các nhà lãnh đạo cấp cao cũng cần liên tục học hỏi, phát triển, cải thiện. Do đó, cần phát triển và bồi dưỡng các nhà lãnh đạo tương lai ngay từ giai đoạn đầu; các cơ quan chính quyền Trung ương và các nhà lãnh đạo cấp cao nhất cần tích cực tham gia vào công tác phát triển lãnh đạo.
Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nền hành chính phục vụ là nền hành chính lấy công dân làm trung tâm, mọi quá trình của nền hành chính đều dựa vào sức mạnh của công dân và vì lợi ích của công dân. Chỉ khi Chính phủ là Chính phủ mở, công dân dễ tiếp cận với Chính phủ thì mới có thể phát huy được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của công dân vào quá trình quản lý nhà nước. TS. Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho biết, 4 nội dung của nền hành chính phục vụ ở Việt Nam gồm: Nền hành chính dân chủ, lấy công dân làm trung tâm; lấy phục vụ công dân làm tôn chỉ mục đích, là giá trị cốt lõi; tính pháp quyền của nền hành chính; nền hành chính trách nhiệm. Từ đó, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất một số nội dung cần hoàn thiện để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ.