Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử MobiFone mua AVG: Luật sư đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo đã khắc phục hậu quả

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, cần có sự phân hóa hành vi, số tiền chiếm đoạt và cách khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nhất là các bị cáo đã khắc phục hết hậu quả.

Sáng 23/12, phiên toà xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG tiếp tục được diễn ra ở phần tranh luận. Tại phiên toà, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, cần có sự phân hóa hành vi, số tiền chiếm đoạt và cách khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nhất là các bị cáo đã khắc phục hết hậu quả.
 Các bị cáo tại phiên tòa
Không biết việc mua AVG là hiệu quả thấp
Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Đình Trọng - cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý DN Bộ TT&TT cho biết, trong quá trình triển khai dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Bộ KH&ĐT khẳng định việc phê duyệt dự án MobiFone mua AVG là đúng. “Sau khi rà soát lại quy định pháp luật, chúng tôi rất tự tin và yên tâm việc ra Quyết định 236 là đúng pháp luật. Nhất là sau khi Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 2678 về việc chấp thuận chủ trương” – bị cáo Trọng khai. 
Theo bị cáo Trọng, việc hiểu biết và áp dụng pháp luật đến bây giờ vẫn còn khác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước khiến các cơ quan khi triển khai còn lúng túng. Nếu không làm rõ những chồng chéo trong các quy định pháp luật thì các DN 100% vốn Nhà nước cũng sẽ đứng trước nguy cơ như MobiFone.
Dù nêu ra những khó khăn như trên nhưng bị cáo Trọng cũng thừa nhận, một mình phải tham mưu dự án này là quá khả năng với mình; hiệu quả dự án bị làm sai lệch ngay từ đầu và bản thân không biết việc bị cáo Nguyễn Bắc Son giới thiệu AVG cho MobiFone.
Cũng tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Trọng cho rằng, tất cả công việc thực hiện liên quan đến dự án AVG đều thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT thời điểm đó. Theo đó, bị cáo Trọng không biết việc mua AVG là hiệu quả thấp khi căn cứ vào các văn bản của MobiFone nên đã làm sai lệch hồ sơ. 
Theo luật sư, chính bị cáo Trọng cũng băn khoăn về việc MobiFone mua cổ phần của AVG nên đã nhiều lần có ý kiến nhưng không được lãnh đạo Bộ TT&TT thời điểm đó giải đáp. Luật sư dẫn chứng, đã có 4 lần bị cáo Nguyễn Bắc Son gạch bỏ đề xuất của bị cáo Trọng về giá mua và hiệu quả dự án này. 
Từ những phân tích nêu trên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trọng (ăn năn hối cải, chủ động khai báo, tích cực hợp tác điều tra). Đồng thời, cho bị cáo này được hưởng chính sách hình sự đặc biệt như đề nghị của CQĐT và không cần thiết cách ly khỏi xã hội. 
Lúng túng trong áp dụng luật
Tranh luận tại toà, luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone đưa ra quan điểm, việc giới thiệu AVG mua MobiFone theo hồ sơ thể hiện là từ phía bị cáo Son. Theo luật sư Phan Trung Hoài, MobiFone ngay từ đầu đề xuất mua hãng truyền hình kỹ thuật số chứ không đề xuất mua AVG. Khi đánh giá và đề xuất, bản thân MobiFone đã trình bày nhu cầu, cơ sở đề xuất và được Bộ TT&TT đánh giá nhu cầu đó là xác đáng. 
Luật sư Phan Trung Hoài cũng cho rằng, có việc lúng túng trong việc áp dụng Luật 67, 69. Các bộ chức năng nhận thức, thực hiện dự án thì áp dụng Luật 69 nhưng quá trình điều tra xác định thẩm quyền quyết định dự án thuộc Thủ tướng. Bản chất việc mua AVG là mua cổ phần hay đầu tư dịch vụ truyền hình chưa xác định rõ và đây là sự lúng túng. Bên cạnh đó, có sự lúng túng trong việc áp dụng pháp luật do các quy định pháp luật điều chỉnh và cách hiểu của các bộ chức năng hiểu, nhận thức chưa đúng. Ngoài ra, luật sư Phan Trung Hoài cũng đưa ra ý kiến đồng tình với quan điểm của đại diện VKS khi đưa tình tiết tự thú của bị cáo Trà là tình tiết giảm nhẹ.
Từ những quan điểm và phân tích nêu trên, luật sư Phan Trung Hoài mong HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện VKS rằng, cần có sự phân hóa hành vi, số tiền chiếm đoạt và cách khắc phục hậu quả của các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nhất là các bị cáo đã khắc phục hết hậu quả.