Không bán CP của người thân vì sợ công bố tên tuổi?
Ngày 28/11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) với số tiền trên 3.608 tỷ đồng.
Trong phần xét hỏi, đại diện Viện KSND đã đưa ra nhiều câu hỏi bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DABank), như: Mua 5 triệu cổ phần (CP) của DABank lần đầu vào năm 2007 để làm gì? Nhờ ai đứng tên, những người được nhờ có biết? Công ty Ninh Thịnh và Công ty Sao Việt Nam là của ai? Khi bán CP tại sao không bán của mình và người thân mà chỉ bán CP của những cá nhân, tổ chức đứng tên giúp? Tại sao ông Cao Ngọc Liên (bố vợ bị cáo Bình) chỉ có 523 ngàn CP vào năm 2007, nhưng lại bán được hơn 3,589 triệu CP? Số dư ở đâu ra?
Bị cáo Bình trả lời: “Việc mua 5 triệu CP của DABank đợt 1 vào tháng 5/2007 nhằm tăng vốn điều lệ. Lúc đó nhờ Đỗ Quang Hiếu, Phạm Văn Tân, ông Cao Ngọc Liên (bố vợ), Cao Thị Ngọc Dung (vợ bị cáo) và 2 con gái (Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Thảo) cùng bị cáo đứng tên. Việc CP đứng tên người thân không biết. Đối với 2 công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam là của bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến. Về vấn đề không bán CP của người thân vì khi bán phải công bố họ tên, sơ ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng vào thời điểm đó nên chỉ bán CP của Công ty Ninh Thịnh và Công ty Sơn Trà Điện Ngọc”.
Việc mua Công ty Sơn Trà Điện Ngọc cũng được bị cáo Bình giải thích vì công ty này là đơn vị đầu tư lớn, để giải quyết và xử lý nợ nên bị cáo nhờ Phạm Văn Tân (nguyên trợ lý của bị cáo Bình) mua lại vào đầu năm 2009. Vì sao số CP của ông Cao Ngọc Liên khi bán chênh lệch đến 3 triệu CP, bị cáo cho rằng không nhớ. Trước năm 2007 không thể đạt được con số 3 triệu CP, mà trong năm 2007 diễn ra việc mua bán CP nên bị cáo nhận chuyển nhượng.
Sở hữu 30% - 35% CP mới chi phối hoạt động DABank
“Đối với việc bán 50 triệu CP cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty) diễn ra từ năm 2007 – 2014, thu được 500 tỷ đồng và bị lỗ. Trong việc cho Vũ “nhôm” vay 200 tỷ đồng để mua CP, bị cáo chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh – nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DABank - lập phiếu thu khống”, bị cáo Bình nói.
Đại diện Viện KSND gọi bị cáo Vinh thì bị cáo này xác nhận khi lập hồ sơ khống có mặt Vũ “nhôm”. Lúc đó trên các chứng từ ghi sẵn họ tên, địa chỉ, nội dung…, bị cáo chỉ điền vào cho tròn thủ tục. Sau khi hoàn thành phiếu thu, đem đi hạch toán.
Về lý do tại sao mua quá nhiều CP vào năm 2009 nhưng không nhờ người ngoài đứng tên hộ như những lần trước? Bị cáo Bình cho rằng năm 2009 không thể nhờ người ngoài, lúc đó chỉ mua số CP thừa mà các cổ đông khác không mua. Ai muốn mua thêm CP phải đăng ký với HĐQT và theo tỷ lệ. Khi HĐQT họp ra nghị quyết thì người muốn mua mới được mua.
“Bị cáo muốn nâng vị thế DABank thông qua việc tăng vốn điều lệ của DABank bằng cách mua – bán CP. Lúc đó bị cáo đang muốn làm ăn với nước ngoài, mà khi làm ăn với họ thường hỏi gia đình ông/bà nắm giữ bao nhiều CP trong đơn vị. Tỷ lệ CP của gia đình bị cáo chưa bao giờ đạt 20%. Để thâu tóm quyền lực trong DABank thì số tỷ lệ không thể xác định, cổ đông nào có CP lớn hơn 30% hoặc 35% thì mới có thể chi phối được hoạt động ngân hàng. Đối với quan hệ làm ăn với Phan Văn Anh Vũ, bị cáo xin lỗi đã không thông báo đầy đủ cho Vũ biết thực trạng hoạt động của DABank”, bị cáo Trần Phương Bình trả lời hàng loạt câu hỏi của Viện KSND.
Âm quỹ tiền, vàng từ năm 2007
Còn bị cáo Vinh khi được Chủ tọa phiên tòa hỏi thế nào là vàng kinh doanh, vàng ký quỹ? Khi xuất 23.000 lượng vàng bán ra thì trường lấy nguồn nào? Âm quỹ tiền, vàng xảy ra trước hay sau năm 2007? Muốn thu – chi khống phải làm sao? Bị cáo Vinh cho biết từ khi làm ngân hàng vào năm 1994, chỉ được những người trước chỉ dẫn ai làm sao mình thế. Khi bị cáo Bình, Xuyến chỉ đạo xuất 23.000 lượng vàng bán cho các tiệm ở TP Hồ Chí Minh, thì lấy vàng trong kho, giao cho phòng kinh doanh, không có phiếu xuất kho. Vàng xuất kho là loại nào, bị cáo chỉ biết đó là vàng và xuất hay nhập thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Bình, Xuyến. Việc xuất, nhập đều có kiểm tra, ký biên bản nhưng chủ yếu để hợp thức hóa. Việc quỹ tiền, vàng bị âm xảy ra từ năm 2007.
“Đối với việc thu – chi khống nhằm đối phó với Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN đều do bị cáo Xuyến chỉ đạo điều vốn khống về những chi nhánh không bị kiểm tra. Cụ thể vào buổi sang điều vốn khống, đến cuối ngày sau khi phòng giao dịch nhận chỉ đạo từ anh Bình hạch toán nợ, lúc này anh Bình gọi bị cáo chuyển về chi nhánh khoản nợ đó và treo nợ trong cùng ngày. Ví dụ Sở giao dịch điều 10 tỷ đồng, thực chất chỉ có 3 tỷ, còn 7 tỷ là tiền “treo” (không có thật). Để quản lý số tiền “treo” tất cả các bị cáo mở sổ riêng để ghi theo cách nhập 10 tỷ thì mở ngoặc 3 tỷ, mở ngoặc chữ Bình là các bộ phận hiểu có chỉ đạo đó là tiền treo”, bị cáo Vinh trả lời Chủ tọa.
Ngày 17/1/2014, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận. Thuận chỉ đạo Trần Thế Hùng làm thủ tục thu khống 200 tỷ đồng của Vũ “nhôm” (theo giấy nộp tiền kiêm bảng kê số 12 ngày 17/1/2014 và bảng kê loại tiền nộp vào ngân hàng ngày 17/1/2014) nhưng DABank sử dụng tiền trong quỹ xuất 200 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 mở tại DABank chi nhánh Đà Nẵng. Vũ “nhôm” trực tiếp viết nội dung và ký giấy nộp tiền và bảng kê loại tiền đối với 200 tỷ đồng nêu trên. Đến cuối ngày, Vinh chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng tiếp nhận điều chuyển khống 200 tỷ đồng từ Sở giao dịch về Hội sở để hợp thức cho khoản chi 200 tỷ đồng dẫn đến âm quỹ số tiền này. Cùng ngày, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 chuyển 600 tỷ đồng (Vũ “nhôm” nộp khống 200 tỷ đồng tại DABank và 400 tỷ đồng vay của DABank) vào tài khoản của DABank để mua 60 triệu CP. Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, ngày 8/4/2014 Trần Phương Bình chỉ đạo DABank chuyển trả 600 tỷ đồng và 9.586.849.315 đồng lãi của 600 tỷ vào tài khoản của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 tại DABank Đà Nẵng. Như vậy, Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỷ nhưng nhận 600 tỷ và 9.586.849.315 đồng lãi, tức đã chiếm đoạt của DABank 200 tỷ gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và 3.195.616.438 đồng lãi của số tiền khống này. |