Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý cây xanh đánh chuyển từ đường Kim Mã: Phương án nào hiệu quả?

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 năm đánh chuyển từ khu vực thi công dốc hạ ngầm và ga S8 (đường Kim Mã), dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội, 80% số cây xà cừ được đưa về vườn ươm tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm vẫn sống tốt. Tuy nhiên, hiện các cây này chưa có phương án giải quyết dứt điểm.

Đánh chuyển thành công
Gói thầu CP01 - khu vực dốc hạ ngầm và nhà ga S8, dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội nằm trên phố Kim Mã, quận Ba Đình. Năm 2016, để giải phóng mặt bằng, thi công hạng mục nêu trên, hàng loạt cây xanh đã buộc phải di dời, đánh chuyển.
UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (MRB) nghiên cứu, xây dựng phương án giải phóng mặt bằng. Do vấp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận, MRB đã quyết tâm thực hiện phương án thí điểm di chuyển cây xanh mà không chặt hạ, dù rằng việc di chuyển những cây cổ thụ có đường kính lớn tốn kém rất nhiều chi phí, khó khăn và vô cùng phức tạp.
 Cây xanh được đánh chuyển từ đường Kim Mã về vẫn sinh trưởng tốt. Ảnh: Ngọc Hải
Tại thời điểm đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với MRB lựa chọn nhà thầu thí điểm thực hiện việc di chuyển để chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi 104 cây xà cừ. Nhà thầu được lựa chọn là Công ty Beepro.
Sau khi được Sở Xây dựng cấp giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh, MRB đã ký kết hợp đồng với Công ty Beepro; đồng thời cử cán bộ cùng với chuyên viên Sở Xây dựng kiểm tra, giám sát, nghiệm thu suốt quá trình thực hiện.
Sau khi công việc dịch chuyển cây hoàn thành, MRB đã mời Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội và các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự buổi kiểm tra hiện trường vườn ươm mới tại xã Đa Tốn, Gia Lâm. Theo ghi nhận chung, 5 tháng sau khi đánh chuyển tới vườn ươm, 95% số cây có dấu hiệu hồi sinh và phát triển tốt. Đến nay, sau 4 năm, 81 cây vẫn sinh trưởng tốt (chiếm khoảng 80%), 2 cây có dấu hiệu phát triển kém và 21 cây hiện đã có dấu hiệu khô héo.
Đại diện MRB khẳng định: “Chúng tôi cùng công ty Beepro đã tuân thủ hợp đồng, thực hiện đúng theo phương án được Sở Xây dựng phê duyệt. Cây xanh được bảo quản hết sức cẩn thận trong suốt quá trình đánh chuyển và chăm sóc sau khi đưa về vườn ươm”.
Cây xanh về đâu?
Tại các cuộc họp với Công ty Beepro, MRB vẫn đề nghị và nhiều lần có văn bản đôn đốc, yêu cầu Công ty tiếp tục chăm sóc cây xanh, bảo đảm tỷ lệ sống của cây là cao nhất cho đến khi TP có hướng dẫn cụ thể về địa điểm trồng cây. Sau khi hết hạn hợp đồng, MRB đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng đề nghị hướng dẫn MRB và Công ty Beepro thực hiện di chuyển, trồng lại và chăm sóc cây từ vườn ươm.
Nhưng do các loại cây tại vườn ươm đều không thuộc chủng loại cây xanh đô thị, rễ ngang, tán nặng, chiếm không gian lớn, mất cân đối và dễ đổ khi mưa bão nên các cơ quan chuyên ngành vẫn đang cân nhắc về địa điểm dịch chuyển trồng cây cố định sau khi hết hợp đồng chăm sóc tại vườn ươm. “Chúng tôi đã báo cáo UBND TP Hà Nội, đề xuất giao cho đơn vị chuyên ngành, dịch chuyển các cây về trồng và chăm sóc tại địa điểm thích hợp hơn” - đại diện MRB cho hay.
Mặt khác, do lần đầu tiên thực hiện, thí điểm nên việc đánh chuyển, chăm sóc cây xanh không có định mức, đơn giá dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục thanh toán theo quy định gặp nhiều khó khăn. Hiện, MRB và Công ty Beepro vẫn đang phối hợp để lập và hoàn thiện hồ sơ - dự toán theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Chuyên gia Lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, trước khi đánh chuyển các cây xanh cổ thụ, cần xem xét, nghiên cứu kỹ xem nó có giá trị với môi trường đô thị hay không. “Đối với cây lớn như trường hợp này, giữ được 80% đã là thành công. Tuy nhiên, việc đem trồng lại ra đường phố thì cần cân nhắc, vì cây sẽ khó sinh trưởng tiếp sau nhiều lần di dời, dễ đổ khi mưa bão, dễ khô héo, chết”.