Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý chất thải y tế của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà

PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và để giảm tải cho các cơ sở tế, giảm gánh nặng cho các cán bộ y tế, nhiều địa phương đã thực hiện điều trị F0 tại nhà.

Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn rất cụ thể về các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên có một vấn đề mới phát sinh, đó là làm thế nào để quản lý an toàn chất thải của F0 điều trị tại nhà?
Gia tăng chất thải lây nhiễm

Số liệu báo cáo trong những ngày gần đây cho thấy, dịch bệnh đang diến biến phức tạp. Số người nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh và đạt mức trên 15.000 ca mỗi ngày. Nhưng trong số đó có trên 80% là người không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ có thể được điều trị tại nhà.
 Thu gom rác thải y tế trong điểm dịch tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 21/12, toàn TP ghi nhận 1.704 ca bệnh trong đó có 485 ca cộng đồng, 1.130 khu cách ly, 89 khu phong tỏa. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến ngày 21/12, toàn TP ghi nhận 26.322 ca mắc, trong đó 9.624 ca cộng đồng, 13.158 ca tại khu cách ly, 3.540 ca tại khu phong tỏa. Về điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, kể từ năm 2020 đến nay, đã có 32.742 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 17.192 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện tại có 15.461 ca bệnh dương tính đang được điều trị, trong đó 9.561 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 5.900 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Nếu mỗi ngày, một người thải ra 1kg chất thải rắn lây nhiễm thì với con số hàng trăm nghìn F0 đang điều trị tại nhà trên cả nước lượng rác thải nguy hại là rất lớn. Trung bình một bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường, lượng chất thải rắn y tế lây nhiễm một ngày chỉ khoảng 200kg, trong khi đó, lượng rác thải y tế lây nhiễm phát sinh từ các F0 điều trị tại nhà ngang bằng với cả nghìn bệnh viện đa khoa tỉnh.

Phân loại chất thải y tế lây nhiễm

Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả chất thải rắn phát sinh từ người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm. Những rác thải này phải được phân loại ngay vào túi màu vàng đựng trong thùng màu vàng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy đạp chân, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” (CTCNC).

Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách dùng khăn hoặc gạc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc nước Javen để lau. Nếu lượng máu, chất tiết nhiều, phải thực hiện lau nhiều lần cho đến khi loại bỏ hoàn toàn trên bề mặt (lưu ý mỗi lần lau dùng một khăn). Tất cả các khăn, gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CTCNC”.

Dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, rãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu…) của người bệnh phải được ngâm bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1% Clo hoạt tính với tỷ lệ 1:1 hoặc nước Javen, nước sát khuẩn để lau sàn nhà trong thời gian ít nhất 10 phút, sau đó đổ vào hệ thống xử lý nước thải.

Thu gom chất thải lây nhiễm

Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ hai, buộc kín miệng, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng. Bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh, có dán nhãn “CTCNC”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn “CTCNC” và được lưu giữ tạm thời tại trạm y tế xã, phường hoặc một khu vực đã được quy định nghiêm ngặt, có cảnh báo trong khu chung cư để chờ vận chuyển đưa đi xử lý. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm

Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đến các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn “CTCNC”. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải luôn được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải.

Hiện nay, tất cả chất thải lây nhiễm chứa vi rút SARS-CoV-2 đều được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc công nghệ không đốt tại các cơ sở của các công ty môi trường đô thị. Tuy nhiên, tại các vùng xa, vùng sâu có thể áp dụng biện pháp chôn lấp đảm bảo hợp vệ sinh.

Trên thực tế chống dịch vừa qua, các trường hợp F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn nên công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao; xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ. Ngoài ra, còn khó khăn về cả lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, bao gồm cả năng lực, số lượng người thực hiện, chế độ cho người thực hiện.

Công tác tổ chức thu gom và xử lý chất thải của F0 điều trị tại nhà

Để tổ chức điều trị F0 tại nhà, chính quyền cơ sở phải lên kế hoạch cụ thể về quản lý chất thải lây nhiễm, bố trí các địa điểm tập kết chất thải để mang đi xử lý. Các hộ gia đình có F0 phải cam kết đảm bảo quản lý chất thải y tế theo quy định. Họ nên được được cung cấp các loại túi đựng chất thải màu vàng và bản thân các F0 cũng như người nhà của họ phải được hướng dẫn cụ thể về quản lý chất thải lây nhiễm như phân loại, thu gom, vận chuyển ra nơi tập kết. Người nhà của F0 hoặc thành viên các tổ Covid cộng đồng phải tham gia vào việc thu gom chất thải từ các hộ gia đình đến địa điểm tập kết. Trong các ngõ nhỏ và sâu có thể sử dụng các thùng màu vàng có dán nhãn “CTCNC”, đặt trên xe máy để thu gom và chở chất thải đến nơi tập kết.
Chính quyền địa phương cần có quy định thống nhất về phí dịch vụ quản lý chất thải y tế đối với các F0 điều trị tại nhà. Các hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho việc xử lý chất thải. Ngành môi trường và y tế thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của F0 điều trị tại nhà.