Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp Hà Nội: Chưa được quan tâm đúng mức - Bài 2: Chồng chéo trong quản lý

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để sớm có những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã có Đề án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải (XLNT) tập trung giai đoạn 2016 - 2020 cho 19 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động ổn định nhưng chưa có hệ thống XLNT.

Tuy nhiên, tiến độ dự án đến nay mới đang được Sở Xây dựng thực hiện bước… khảo sát.
Đổi chủ... vẫn chậm

Trước đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan lập Đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các khu công nghiệp (KCN), CCN trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2015. Tuy nhiên, đề án này triển khai chậm so với lộ trình. Lý do chậm chễ được đưa ra là thiếu quỹ đất, việc bổ sung quy hoạch phải xin ý kiến nhiều ngành liên quan dẫn đến thời gian kéo dài; năng lực các đơn vị tư vấn để lập hồ sơ dự án còn hạn chế... Đặc biệt, một số dự án do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư khó khăn trong bố trí vốn đối ứng nên triển khai chậm.

Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP tại Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Vũ Cúc

Để giải quyết vấn đề này, TP đã yêu cầu xây dựng Đề án đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom XLNT tập trung cho 19 CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa có hệ thống XLNT trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Đề án sẽ được thực hiện với quan điểm huy động nguồn lực xã hội hóa, giao DN thực hiện đầu tư, quản lý vận hành trên cơ sở tính toán hợp lý quy mô, công suất, công nghệ hiện đại, phương án giá lấy thu bù chi hợp lý, đồng thời chuyển giao nhiệm vụ quản lý thực hiện Đề án từ Sở Công Thương về Sở Xây dựng.

Mục đích của việc "đổi chủ" quản lý về công tác XLNT thể hiện, Hà Nội đang quyết tâm đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 100% CCN có khu XLNT tập trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần XVI đề ra. Điều đó cho thấy, việc bao phủ nhà máy XLNT tại các CCN trên địa bàn có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường ở Thủ đô. Tuy vậy, do công tác quản lý của địa phương và một số ngành còn chưa rốt ráo dẫn tới hiệu quả đảm bảo môi trường chưa như kỳ vọng. Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phải hết quý III/2017, công tác rà soát việc xây dựng trạm XLNT cho tất cả 43 CCN mới hoàn tất.

Xác định rõ trách nhiệm

Theo Ban Đô thị, HĐND TP, bất cập nhất hiện nay là nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom XLNT tập trung. Trước thực trạng trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm quản lý của các địa phương và các sở, ngành liên quan đến đâu?

Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Vũ Ngọc Anh cho rằng, trước hết trách nhiệm thuộc về DN. Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà trực tiếp là UBND cấp huyện điều hành thiếu sát sao. Trong một số trường hợp còn buông lỏng quản lý nên mới có trường hợp trạm XLNT xây xong rồi “bỏ hoang” đến 10 năm. Đó cũng là trách nhiệm của các sở, ngành, nhất là Sở TN&MT trong việc kiểm tra, đôn đốc xử lý các DN phát sinh nước thải ô nhiễm thời gian qua. Chính vì thiếu quyết liệt từ các cơ quan quản lý nên tại các CCN, tình trạng DN không chịu đấu nối vào hệ thống XLNT còn rất phổ biến. Đến nay mới có 6 CCN có 100% DN đấu nối vào hệ thống XLNT tập trung, còn lại chỉ đạt 40 - 70%. Việc thu phí bảo vệ môi trường còn rất thấp, từ năm 2015 đến nay chỉ thu được… hơn 124 triệu đồng.

Hiện, Hà Nội còn tới 68 CCN (thực chất là các điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề) có quy mô nhỏ. Trong đó, nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư đang hoạt động sản xuất nhưng không hề có hệ thống XLNT tập trung. “Tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất không được xử lý sơ bộ xả thải trược tiếp ra môi trường xung quanh, làm ô nhiễm môi trường rất lớn gây bức xúc, nhưng các sở ngành cũng chưa có tham mưu gì cho TP để giải quyết” - ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Lý giải về những khó khăn trong quản lý, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An cho rằng, Sở Xây dựng chỉ được TP giao xem xét xây dựng Đề án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT tập trung giai đoạn 2016 - 2020, trong khi trách nhiệm quản lý Nhà nước, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong CCN lại thuộc Sở Công Thương. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc xả thải là của Sở TN&MT, xử lý những vi phạm về xả thải là thuộc chính quyền các quận, huyện, thanh tra Sở TN&MT…

Tới đây, các sở, ngành, quận huyện cần tăng cường trách nhiệm cùng với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP triển khai đồng bộ các giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường tại CCN, làng nghề. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An

(Còn nữa)