Xử lý phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ: Chưa có hướng dẫn cụ thể

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những bất cập được chỉ ra trong việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính là tình trạng “khổ chủ” bỏ phương tiện vi phạm, trong khi việc tịch thu lại phải trải qua nhiều quy trình chặt chẽ, đòi hỏi mất nhiều thời gian, chi phí.

Theo Bộ Tư pháp, về cơ bản, các địa phương được kiểm tra đều chấp hành đúng pháp luật trong việc tạm giữ, tịch thu và xử lý các phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu. Mặc dù vậy, kết quả thực hiện công tác này cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vẫn còn tình trạng phương tiện bị tồn đọng lâu ngày, mục nát, phơi sương, phơi nắng, lãng phí tài sản xã hội mà chưa được xử lý. Thời gian từ lúc người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định tịch thu đến lúc xử lý xong phương tiện bị tịch thu kéo dài quá lâu (các quy định về trình tự, thủ tục xử lý tài sản bị tịch thu còn nhiều bất cập, dẫn đến thời gian xử lý bị kéo dài).
 Hàng ngàn xe máy, ô tô nằm giữa trời tại bãi xe vi phạm 360 đường Giải Phóng. Ảnh: Ngọc Thắng
Đáng chú ý, còn tình trạng bỏ lại phương tiện sau khi vi phạm và bị tạm giữ, số phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trong cả nước là hơn 252.000 phương tiện, trong đó có 200.000 phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ.
Bất cập được chỉ ra trong quy định pháp luật hiện hành, đơn cử khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là một năm. Do đó, khi tạm giữ phương tiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ luôn phương tiện thì phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, cơ quan, người có thẩm quyền mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện dẫn đến số lượng và thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài.
Khoản 7 Điều 126 Luật XLVPHC quy định: “Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ”. Quy định này nếu áp dụng trong trường hợp người vi phạm vì lý do nào đó không đến xử lý theo đúng thời hạn, quá thời hạn tạm giữ thì pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể. Đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc mà lực lượng thực thi pháp luật thường gặp phải trong quá trình thực hiện.
Trong khi đó, thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu. Một số phương tiện bị tạm giữ không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật, rất tốn kém và lãng phí. Để xử lý tình trạng nói trên, ngoài việc xem xét nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì các địa phương cần có kế hoạch khẩn trương xử lý dứt điểm số phương tiện giao thông đường bộ đã quá thời hạn tạm giữ còn tồn đọng tại các điểm trông giữ, phân loại các phương tiện để có hướng xử lý phù hợp, cụ thể.
Đối với các phương tiện vi phạm hành chính nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cơ quan, người có thẩm quyền cần khẩn trương ra quyết định tịch thu theo quy định. Đối với các phương tiện thuộc diện bị tịch thu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành các thủ tục để tịch thu sung công quỹ Nhà nước và thực hiện việc bán đấu giá hoặc thanh lý phương tiện (tùy từng trường hợp cụ thể) để nhanh chóng giải phóng phương tiện vi phạm ra khỏi các điểm trông giữ, tránh tình trạng quá tải, đồng thời tránh lãng phí tài sản xã hội.