Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23/4 cho biết, các cuộc giao tranh tại Sudan đến nay đã khiến 420 người thiệt mạng và hơn 3.700 người bị thương.
Thống kê từ Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho thấy hơn 1.500 người bị thương và hơn 20.000 người phải rời bỏ nhà cửa sau các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự (RSF) nổ ra từ ngày 15/4.
Giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày 23/4 bất chấp thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ. Bạo lực lan rộng do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong quá trình đàm phán nhằm tích hợp RSF vào quân đội Sudan.
Trong bối cảnh xung đột và bạo lực, Liên hợp quốc cho biết người dân Sudan đang tìm cách chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh, trong đó có thủ đô Khartoum. Đến nay có tới 20.000 người tị nạn ở nước láng giềng Chad.
Hiện các nước có công dân tại Sudan đã bắt đầu kế hoạch sơ tán, chủ yếu thông qua hai tuyến chính là cảng Sudan ở biển Đỏ và đường hàng không qua Djibouti. Tuy nhiên, nỗ lực sơ tán gặp không ít gián đoạn do tình hình chiến sự.
Theo hãng tin Reuters, ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo nước này bắt đầu “chiến dịch sơ tán nhanh chóng” công dân và nhân viên ngoại giao khỏi Sudan. Ngoài ra, Pháp cũng sẽ sơ tán cả công dân các quốc gia “đối tác châu Âu và đồng minh”. Trong ngày 23/4, Pháp đã sơ tán được 100 người khỏi thủ đô Khartoum đến Djibouti.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố lực lượng vũ trang nước này đã sơ tán nhân viên ngoại giao và người thân của họ khỏi Sudan. Ông Sunak cho biết chính quyền London đang tiếp tục theo đuổi mọi lộ trình nhằm chấm dứt đổ máu ở Sudan và đảm bảo an toàn cho những công dân Anh còn ở lại quốc gia Bắc Phi này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, quân đội nước này đã tiến hành chiến dịch sơ tán công dân cùng với Mỹ, Pháp và các đồng minh khác.
Trước đó vào tối 22/4, Mỹ đã sơ tán các nhà ngoại giao, nhân viên sứ quán và gia đình khỏi Sudan. Theo Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã hoàn thành việc sơ tán và Washington đang tạm thời đình chỉ hoạt động tại đại sứ quán trong thời gian Sudan biến động.
Cũng trong ngày 23/4, Bộ Quốc phòng Đức thông báo một máy bay quân sự đầu tiên của nước này đã sơ tán được 101 công dân đến Jordan, chiếm một nửa công dân Đức ở Sudan.
Quốc gia châu Âu khác là Italia cũng đang đẩy nhanh quá trình bảo vệ công dân. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết, Bộ Ngoại giao đang làm việc với các bên ở Sudan để bảo đảm an toàn cho công dân muốn rời khỏi đất nước Bắc Phi. Ông khẳng định đã nhận được cam kết từ lãnh đạo các bên tham chiến cho sự an toàn của 140 công dân Italy và 60 người từ các quốc gia khác trong quá trình sơ tán.
Theo Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares, nước này đã bắt đầu sơ tán được 100 người khỏi Sudan trong ngày 23/4, gồm 30 công dân nước này và 70 người dân châu Âu và Mỹ Latinh khác.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 23/4 cho biết, Ottawa sẽ tạm ngừng các hoạt động và rút các nhà ngoại giao khỏi Sudan.
Trước tình hình Sudan, nhiều quốc gia khác cũng chủ động sơ tán công dân khỏi Sudan để bảo đảm an toàn.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cùng ngày cho biết cơ quan chức năng đã triển khai hai máy bay ở Jeddah và một tàu tới cảng Sudan để chuẩn bị cho việc sơ tán, đồng thời khuyến cáo người dân tránh những rủi ro không cần thiết.
Đại sứ Nga tại Khartoum nói với truyền thông nhà nước Nga rằng 140 trong số khoảng 300 công dân Nga tại Sudan cho biết muốn rời khỏi quốc gia Bắc Phi. Tuy nhiên, hiện Nga vẫn chưa thực hiện được kế hoạch sơ tán công dân do tình hình giao tranh ác liệt ở thủ đô Khartoum.
Trong khi đó, chính phủ Ai Cập thông báo nước này đã sơ tán 436 công dân trong tổng số khoảng 10.000 người ở nước láng giềng Sudan.
Ả Rập Saudi hôm 22/4 cũng đưa 91 công dân nước này và khoảng 66 người từ các quốc gia khác rời cảng Sudan bằng tàu hải quân đến Jeddah.