Xe buýt đến từng xã, phường
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, hiện mạng lưới xe buýt Thủ đô đã “phủ sóng” toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường, thị trấn, đạt 88,4%. Ngoài ra Hà Nội còn có nhiều tuyến buýt kế cận kết nối với 7 tỉnh, thành: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Như vậy, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, mạng lưới xe buýt của Thủ đô đã có 154 tuyến, trong đó có 132 tuyến trợ giá với 2.279 phương tiện; 351 nhà chờ, 4.405 điểm dừng đỗ, 5 điểm trung chuyển và 127 điểm đầu cuối.
Ông Thái Hồ Phương chia sẻ, trước khi mở rộng địa giới hành chính, khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) với 16 huyện, thị xã chỉ có 6 tuyến buýt không trợ giá với 80 xe, 16 nhà chờ và 166 điểm dừng đỗ đón, trả khách. 100% người dân tại các xã, phường chưa được hưởng dịch vụ xe buýt trợ giá.
Còn thành phố Hà Nội khi chưa mở rộng đã có 60 tuyến buýt, 2 tuyến buýt kế cận với tổng cộng 940 xe (910 xe buýt được trợ giá); 292 nhà chờ, 1.170 điểm dừng đỗ; 52 điểm đầu cuối tuyến và 2 điểm trung chuyển.
Mạng lưới buýt có trợ giá của Hà Nội đã lan tỏa đến 14/14 quận, huyện (đạt tỷ lệ 100%); 182/229 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 79,5%). Tuy nhiên tại thời điểm đó, xe buýt vẫn chưa đa dạng và hiện đại như bây giờ.
Nhận định rõ VTHKCC là dịch vụ thiết yếu, quan trọng với người dân, là điều kiện để giảm thiểu xe cá nhân, qua đó hạn chế UTGT, ô nhiễm môi trường, Hà Nội đã tập trung toàn lực, đầu tư cho xe buýt, tàu điện…, đặc biệt là với khu vực rộng lớn của tỉnh Hà Tây (cũ).
Với định hướng đó, 15 năm qua, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đã có sự phát triển vượt bậc. Về quy mô và số lượng tuyến cũng như đoàn phương tiện đã tăng gấp đôi, trở thành một trong những loại hình vận tải chủ lực của giao thông đô thị.
Không chỉ có xe buýt thường, đến nay Hà Nội đã có 1 tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa; 10 tuyến xe buýt điện, 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng khí hóa lỏng CNG. Thành phố đang đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ “xanh hóa” toàn bộ xe buýt.
Đối với khu vực địa giới mở rộng, hàng loạt tuyến buýt có trợ giá được mở mới hoặc kéo dài đến các huyện: Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây... đã thật sự có ý nghĩa với người dân ngoại thành.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, hầu hết các tuyến buýt được mở mới kết nối với các huyện ngoại thành mở rộng đã đáp ứng được ngay nhu cầu của người dân, xóa “vùng trắng” xe buýt trợ giá. Đây chính là sự quan tâm thiết thực của chính quyền thành phố, kéo gần khoảng cách giữa đô thị trung tâm với ngoại thành Hà Nội.
Đa phương thức, văn minh, hiện đại
Sau xe buýt sử dụng nhiên liệu sách, buýt nhanh BRT, năm 2021 Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của cả nước số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, mạng lưới VTHKCC đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô, vừa là điều kiện an sinh xã hội, vừa là nguồn lực để phát triển kinh tế, hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại và đáng sống.
Không phụ sự kỳ vọng, tuyến ĐSĐT này đã gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động tích cực dẫn đến sự thay đổi toàn diện trong tư duy và thói quen đi lại của người dân Thủ đô.
Những ưu điểm nổi bật như: sử dụng đường riêng trên cao, không chịu ảnh hưởng của ùn tắc; sạch sẽ, văn minh, nhanh và sức chở đến hàng nghìn người mỗi chuyến đã khiến ĐSĐT nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của đông đảo người dân.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “ĐSĐT được coi là xương sống của hệ thống VTHKCC, nó không chỉ định hình lại quy mô, phương thức vận tải mà còn thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân”.
Một điều đặc biệt là nhiều tuyến ĐSĐT Hà Nội đã và đang đầu tư xây dựng đều được định hướng trở thành cầu nối trung chuyển người dân từ các vùng ngoại thành thuộc phần mở rộng của Hà Nội đến trung tâm thành phố.
Tuyến số 2A có điểm cuối tại quận Hà Đông, và sẽ được kéo dài đến Xuân Mai, phục vụ nhân dân huyện các huyện; Chương Mỹ, Quốc Oai… Tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội tiếp giáp với khu vực huyện Hoài Đức.
Tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc còn có ý nghĩa quan trọng hơn khi kết nối các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời đây cũng là tuyến đầu tiên được Hà Nội xác định đầu tư theo mô hình TOD, phát triển đô thị lấy ĐSĐT làm trung tâm.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT, 8 tuyến tàu điện một ray. Mạng lưới xe buýt nhanh, xe buýt nhiên liệu sạch sẽ được mở rộng khắp thành phố, kéo giãn mật độ dân cư, phân bố đồng đều đô thị, hình thành nhiều cực tăng trưởng chiến lược tại các khu vực ngoại thành.
VTHKCC cùng với hệ thống hạ tầng giao thông khung sẽ đi trước mở đường, là cơ sở để Hà Nội phát triển toàn diện, xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn, ngoại thành với đô thị trung tâm.