Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An toàn cho trẻ, sao lo về tiền bạc?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn nữa, số tiền bỏ ra để giúp trẻ an toàn khi di chuyển bằng xe ô tô từ nhà đến trường là không thực sự cao, dù chưa có thống kê chi tiết.

Bởi vì, các hạng mục thêm vào cho xe buýt là camera giám sát, còi báo động khi tài xế chưa kiểm tra xe, sơn xe màu vàng đậm và lắp thiết bị giới hạn tốc độ xe. Đầu tư thêm cũng không phải cho một năm mà nhiều năm...
Bộ GTVT đang sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô. Theo đó, xe đưa sẽ có thêm những thiết bị nói trên…

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, việc lắp thiết bị xe đưa đón học sinh như vậy sẽ làm tăng chi phí đầu tư, gây áp lực cho phụ huynh (!?). Hiện xe đưa đón học sinh có hai loại hình phổ biến, một là xe nhà trường tự đầu tư, hai là xe nhà trường ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải.

Thiết nghĩ, những ý kiến cho rằng, đầu tư trang thiết bị cho xe gây áp lực lên phụ huynh là võ đoán. Bởi, với phụ huynh có thuê xe cho con mình đi học, điều quan trọng nhất vẫn là an toàn cho con cái họ, nhất là khi sự việc khủng khiếp “quên trẻ trên xe”.

Hơn nữa, với những hạng mục tốn thêm nhiều tiền như sơn lại xe (khoảng 50 triệu đồng/xe) thì có thể giảm trừ vì xe chở học sinh trong đường phố không nhất thiết ưu tiên. Với thiết bị hạn chế tốc độ cũng vậy, xe đi trong TP thường không thể đi tốc độ cao trên 80km/h được.

Như vậy, việc đầu tư trang thiết bị giám sát xe như camera theo dõi hành trình, trong xe… là cần thiết để trẻ đến trường an toàn hơn. Những thiết bị này thực tế đã có trên các xe buýt, nên hầu như xe đưa đón học sinh không trang bị thêm gì nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh các trang thiết bị tăng độ an toàn cho xe, yếu tố con người cùng những quy trình mang tính an toàn vẫn là trên hết.

Qua những vụ việc bỏ quên học sinh đã xảy ra, phần lớn do sự chủ quan, tắc trách của người đưa đón và nhận học sinh vào lớp. Những người này khi cho học sinh xuống xe đã không kiểm tra xe, không điểm danh từng em, thậm chí thấy vắng 1 em nhưng không tìm hiểu nguyên nhân.

Do đó, ngành giáo dục nói chung, các trường học nói riêng cần ban hành quy trình đón đưa trẻ chặt chẽ chung; không nên mỗi trường một kiểu. Những quy tắc đó có thể tham khảo những mô hình trong và ngoài nước đã có và làm tốt.

Ví dụ: mỗi lần nhận trẻ cần cầm danh sách trẻ, khi trẻ xuống xe nên cho trẻ xếp hàng và điểm danh từng em, em nào có thì đánh dấu vào danh sách. Sau đó, người lái xe và cô/ thầy giáo hoặc bảo mẫu cùng kiểm tra xe theo từng hàng ghế. Cuối cùng, người có trách nhiệm liên hệ với gia đình tìm hiểu tại sao trẻ hôm nay không đến trường (đề phòng trường hợp gia đình quên xin phép cho em nghỉ học).

Quy trình cần từ 3 - 5 bước, người làm quy trình thực hiện từng bước, xong bước nào thì gạch chéo bước đó trong sổ nhật ký đưa đón học sinh để biết mình đã thực hiện.

Cuối cùng, việc an toàn cho trẻ là trên hết. Do đó, cần thiết trang bị thêm cho xe ô tô đưa đón thì nên đầu tư, dù có tốn thêm một số tiền nào đó. Mong rằng, với nhiều biện pháp cơ bản, khoa học, không còn xảy ra hiện tượng trẻ bị quên trên xe nữa; phụ huynh không còn áp lực vì lo lắng khi cho trẻ đến trường bằng xe ô tô đưa đón.