Chuyến thăm “phá băng”
Trong khi chuyến thăm Berlin của Thủ tướng Anh được bao phủ bởi những lời lẽ nồng nhiệt và nhấn mạnh sự thay đổi giọng điệu so với cách tiếp cận của chính phủ Bảo thủ trước đây, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về cách sửa chữa mối quan hệ với các quốc gia thành viên EU mà đi đến những thay đổi chính sách thực sự.
Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của Anh, trong đó London đã trưng cầu dân ý với đa số phiếu sít sao để rời khỏi Liên minh châu Âu. Sự kiện sau đó đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia thành viên.
Trong những năm sau đó, các cuộc đàm phán Brexit dưới thời Thủ tướng Boris Johnson đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ của London với nhiều thủ đô châu Âu.
Do đó, đây là bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa chủ trương xích lại gần hơn với châu Âu, nhất là với các đồng minh chủ chốt như Đức của tân Chính phủ Anh và Công đảng. Trước đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã từng tiết lộ chính quyền mới sẽ thực hiện 3 ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đó là: thúc đẩy hợp tác với châu Âu, thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và mở rộng ảnh hưởng ở Nam bán cầu.
Thủ tướng Starmer từng tỏ rõ mong muốn về một "bước ngoặt đối với Brexit". Ngay sau chuyến công du Đức, ông đã tới Paris tham dự lễ khai mạc Paralympics Paris 2024, gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cá nhân mà ông có mối quan hệ thân thiết.
Trước khi trở thành Thủ tướng, ông Starmer đã từng vận động để lật ngược Brexit, nhưng sau đó đã từ bỏ lập trường đó và loại trừ khả năng sẽ xem xét lại.
Do đó, giai đoạn đầu tiên trong quá trình tái hợp của ông Starmer với các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ đơn giản là tỏ thiện chí, Charles Grant - Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu, một viện nghiên cứu cho biết.
"Tất cả đều là về cải thiện tâm trạng, xây dựng lại lòng tin, khôi phục sự tự tin với mọi người, lịch sự và cho thấy rằng Anh đã thay đổi - điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng thực sự quan trọng" - ông nói.
Mặc dù mục tiêu này đang được triển khai khá hiệu quả, chuyên gia Grant nhận định, việc Anh đồng ý với những thay đổi cụ thể sẽ khó khăn hơn nhiều đối với ông Starmer.
Thỏa thuận tạo bước ngoặt?
Trong chuyến thăm định vị lại mối quan hệ giữa Anh với châu Âu, ông Starmer hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về một hiệp ước hợp tác mới, hy vọng tăng cường hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng.
Nhóm đàm phán của hai bên hy vọng sẽ dành nửa năm để thống nhất hiệp ước mới với mong muốn đạt được quan hệ đối tác mới vào đầu năm 2025.
Thỏa thuận đầy tham vọng này dự kiến sẽ bao gồm các lĩnh vực quan trọng cần tăng cường hợp tác như tiếp cận thị trường, khoa học quan trọng, đổi mới và công nghệ, năng lượng sạch, thương mại, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng và giáo dục chuyển đổi xanh, đa dạng sinh học và môi trường.
Thủ tướng Đức Scholz, một chính trị gia trung tả, đã chào đón ông Starmer một cách nồng nhiệt, mô tả Đức và Anh là "những người bạn tốt, đối tác thân thiết và đồng minh đáng tin cậy". Ông cho biết hiệp ước đã được lên kế hoạch "dựa trên tinh thần hợp tác mới" và Đức muốn "nắm lấy bàn tay đã chìa ra".
Mặt khác, ông cũng bày tỏ mong muốn có nhiều quyền tự do thông thương, làm việc giữa giới trẻ Anh và Đức, lưu ý rằng "các mối liên hệ xã hội giữa công dân Đức và Vương quốc Anh đã giảm mạnh sau Brexit và đại dịch Covid-19 - chúng tôi muốn thay đổi điều đó".
Ngay cả khi Thủ tướng Anh mỉm cười và bày tỏ niềm vui, ông đã không cam kết thực hiện những thay đổi chính sách cụ thể và nhắc lại lời cam kết khi tranh cử rằng Anh sẽ không tái gia nhập các cấu trúc kinh tế của khối.
Thủ tướng Anh cũng cho biết, nước này "không có kế hoạch" về một chương trình trao đổi - loại hình được Đức ưa chuộng - theo đó hỗ trợ công dân Anh trẻ tuổi và những bạn đồng lứa châu Âu trao đổi làm việc tại các quốc gia của nhau, dù ông không loại trừ khả năng này trong trả lời báo giới sau đó.
Vấn đề nằm ở Brussels và sự nhượng bộ của Anh
Trong khi Berlin có thể cung cấp cho Anh các biện pháp hạn chế để cải thiện hợp tác kinh tế, thì chính sách thương mại của Đức lại được quyết định bởi tư cách thành viên của nước này trong Liên minh châu Âu. Bất kỳ thay đổi đáng kể nào cũng phải được thống nhất không phải ở Berlin mà là ở Brussels.
Ông Starmer có thể thử thông qua ông Scholz để tác động thay đổi điều đó. Nhưng ở Berlin, trọng tâm chính là cải thiện quan hệ quốc phòng và an ninh. Những lo ngại về cam kết của Mỹ đối với Ukraine nếu cựu Tổng thống Donald J. Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đã nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Đức trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng.
Một trụ cột chính của hiệp ước mới với Anh, Chính phủ Đức cho biết trong một tuyên bố, sẽ là tăng cường "mối liên kết giữa các cộng đồng quốc phòng, ngành công nghiệp và lực lượng vũ trang của chúng tôi".
Nỗ lực cải thiện quan hệ kinh tế với Liên minh châu Âu của Anh có thể sẽ phải đợi đến mùa Thu, khi một nhóm công tác liên quan được thành lập tại Ủy ban châu Âu.
Ông Starmer đã khẳng định muốn cải thiện hoạt động thương mại thực phẩm, nông sản và chăn nuôi vốn bị ràng buộc hậu Brexit. Đổi lại, Anh sẽ phải chấp nhận một số tiêu chuẩn an toàn chăn nuôi của châu Âu.
Chuyên gia Grant nhận định, để giành được các nhượng bộ thương mại, Anh sẽ phải tuân theo các yêu cầu chính của châu Âu, bao gồm một thỏa thuận toàn diện về quyền đánh bắt cá và thỏa thuận giúp giới trẻ hai bên tăng cường tiếp xúc, trao đổi tự do hơn trên khắp lục địa và Erasmus, một chương trình trao đổi sinh viên mà Anh đã rút lui như một phần của Brexit.
Chương trình tăng cường trao đổi dành cho thanh thiếu niên có thể nhạy cảm đối với Anh. Trong khi đó sự phản đối của chính phủ đối với việc tái gia nhập Erasmus liên quan đến áp lực tài chính, theo chuyên gia Grant. Các ước tính cho thấy điều này có thể khiến Anh thiệt hại 2 tỷ bảng Anh, tương đương 2,6 tỷ USD trong vòng 7 năm.
Ông Grant cho biết "Việc thay đổi những điều cốt lõi sẽ khó khăn hơn nhiều vì Anh sẽ phải cắn răng thực hiện một số điều mà EU mong cầu".