Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực tăng lãi suất vẫn còn

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Áp lực với lãi suất là chắc chắn, vấn đề lạm phát, tỷ giá hối đoái, dịch chuyển dòng vốn, chính sách của các nước lớn… đây đều là những áp lực Việt Nam phải đối mặt”.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.

Đó là chia sẻ của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.

Ông đánh giá thế nào về việc tăng lãi suất điều hành của NHNN?

- Thanh khoản nhiều ngân hàng không còn dư giả như trước. Nhiều ngân hàng thậm chí phải huy động vốn để bù đắp thanh khoản, buộc phải tìm cách “lách” trần lãi suất huy động, thậm chí phải chi lãi ngoài để thu hút vốn. Tăng lãi suất điều hành sẽ chấm dứt tình trạng lách luật này, giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng.

Mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành ở Việt Nam là phù hợp so với mức tăng 300 điểm cơ bản tại Mỹ, trước bối cảnh lạm phát tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối gia tăng trước sự mạnh lên của đồng USD trên toàn cầu.

Tuy vậy, các nhân tố bên ngoài rất bất ổn và khó lường. Nền kinh tế vẫn ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô, áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng.

DN đang khó khăn tiếp cận vốn, việc tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động sẽ tác động như thế nào tới tiếp cận vốn của nhóm này?

- Tăng lãi suất điều hành sẽ giúp ổn định tỷ giá và làm giảm sức ép lên NHNN trong việc phải can thiệp trên thị trường ngoại hối giúp tỷ giá duy trì ổn định, khiến dự trữ ngoại hối không bị suy giảm quá nhiều. Tuy nhiên, môi trường lãi suất tăng cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, khiến biên lợi nhuận của các DN nói chung có khả năng bị thu hẹp trong thời gian tới.

Ông dự báo mặt bằng lãi suất trong thời gian tới ra sao? Và sẽ tác động tới nền kinh tế thế nào?

- Mặt bằng lãi suất huy động đi lên khó tránh lãi suất cho vay sẽ tăng, thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1 - 1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% với hạn mức 40.000 tỷ đồng.

Việc tăng lãi suất phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng
Việc tăng lãi suất phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng

Cho dù có kêu gọi ngân hàng ổn định lãi suất, lãi suất cho vay danh nghĩa có thể không tăng, song các ngân hàng sẽ tìm cách thu thêm phí, yêu cầu khách hàng sử dụng thêm các dịch vụ để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, từ đó đẩy lãi suất cho vay thực lên.

Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý III, quý IV năm nay của Việt Nam vẫn rất tích cực, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tuy vậy, do lãi suất tăng, khả năng tiếp cận vốn của DN khó khăn nên khả năng tăng trưởng GDP năm sau sẽ chậm lại. Bởi nếu tình hình vẫn như hiện nay, sang năm 2023, mặt bằng lãi suất có thể cao hơn năm nay và cung tín dụng vẫn sẽ được NHNN kiểm soát chặt chẽ.

Hiện có nhiều quốc gia chấp nhận đánh đổi, hy sinh tăng trưởng kinh tế để kéo lạm phát xuống. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý vẫn đang làm tốt cả hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Tăng trưởng quý IV có thể không lạc quan như quý III vì các yếu tố tạo áp lực chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, triển vọng hoàn thành mức tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay là khả thi và thực tế không nhiều quốc gia trên thế giới có được mức tăng trưởng này.

Xin cảm ơn ông!