Phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân.Trong các Dự án của Chương trình thì có Dự án 10 là Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… bao gồm nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối tượng thực hiện là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã; thôn, bản; già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
Công tác PBGDPL tại Lào Cai đạt được kết quả rõ rệt
Nhận rõ tầm tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Lào Cai đã nghiêm túc thực hiện theo Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Theo đó, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành; UBND tỉnh Lào Cai, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo tổ chức, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn.
Về xác định nội dung PBGDPL, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện, thị xã, TP, nhiệm vụ công tác trọng tâm của từng sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, các luật, pháp lệnh, văn bản mới do các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong năm 2022 và năm 2023; trong đó đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp tới hoạt động quản lý chuyên ngành; các văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hỗ trợ khởi nghiệp; khiếu nại; tố cáo; phòng, chống tội phạm, dịch bệnh, thiên tai; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ; an ninh mạng; đất đai, xây dựng…
Về hình thức PBGDPL, căn cứ vào nội dung, đối tượng và điều kiện đảm bảo cho công tác PBGDPL, các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, huyện đã chủ động tham mưu cho cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn hình thức triển khai PBGDPL phù hợp, có hiệu quả như: Thông qua hình thức hội nghị, cuộc thi, hưởng ứng các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức; tổ chức chiếu phim, xem video clip, phim, phóng sự, phim tài liệu khoa giáo; Câu lạc bộ pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên sóng phát thanh, truyền hình; Thông qua Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, và các Trang/Cổng thông tin của các sở, ngành, địa phương; tuyên truyền qua Zalo, Facebook, Fanpage, SMS, hệ thống truyền thanh cơ sở, tờ rơi, pa nô, áp phích, tuyên truyền miệng…
Các cấp chính quyền sát sao
Có thể đánh giá một cách tổng quát công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lào Cai có được những kết quả trên, là do sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, sự quan tâm triển khai nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là kết quả nỗ lực của tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm nhiệm vụ PBGDPL trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nội dung tuyên truyền có sự lựa chọn bám sát các vấn đề được dư luận xã hội và cộng đồng quan tâm. Hình thức PBGDPL có sự đổi mới, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn bộc lộ những nhược điểm và hạn chế như: Nhận thức của một số đồng chí trong cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL chưa đúng mức, còn coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp nên chưa thật sự chú trọng đến vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ở cơ quan, đơn vị và địa phương mình, hoặc có tổ chức những hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số Báo cáo viên pháp luật ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện chưa tích cực tham gia phổ biến giáo dục pháp luật theo đề nghị của cơ quan chủ trì tổ chức Hội nghị cũng như trong việc tham mưu tổ chức phổ biến pháp luật trong nội bộ cơ quan, ngành; không tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức và một tồn tại nữa là các điều kiện đảm bảo cho công tác PBGDPL, đặc biệt kinh phí còn rất eo hẹp, nguồn lực huy động từ xã hội hoá là rất khó khăn.