Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Bài 2: Cơ chế đầu tư, quản lý đồng bộ, hiệu quả

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT), góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, theo các chuyên gia, việc quản lý, sử dụng các TCVHTT cần có cơ chế đầu tư, quản lý đồng bộ, hiệu quả.

Nhiều nút thắt

Hệ thống TCVHTT có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Việc sử dụng, quản lý các TCVHTT hiện nay đã đạt được thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó vẫn còn những bất cập, hạn chế về quy hoạch, bố trí đất, kinh phí xây dựng, công tác quản lý, vận hành các TCVHTT. Điều đó đòi hỏi cần có một hướng đi mới về phát triển văn hóa như chuyển đổi mô hình đầu tư công, hợp tác công tư, gia tăng nguồn lực cho các TCVHTT... đến từ thể chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.

Theo Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Rạp Xiếc T.Ư là nơi tổ chức hoạt động biểu diễn các chương trình Xiếc của Liên đoàn phục vụ đông đảo thanh thiếu niên và nhi đồng.

Rạp Xiếc Trung ương. Ảnh: Lam Thanh
Rạp Xiếc Trung ương. Ảnh: Lam Thanh

Mặc dù, một số TCVHTT thiết yếu của đơn vị đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt và cấp kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhưng đến thời điểm hiện tại liên đoàn vẫn còn thiếu một số TCVHTT để tổ chức các hoạt động như: trụ sở làm việc (khu vực khối văn phòng) phục vụ cho cán bộ, viên chức làm việc được đầu tư xây dựng đã lâu, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị máy móc làm việc chưa được đồng bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất làm việc và khu vực rạp xiếc cũng đã được bộ đầu tư nhưng chưa khai thác hết hiệu quả hoạt động của rạp do các hạng mục chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ và khu vực phụ trợ biểu diễn chưa hoàn thành, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục vụ biểu diễn cho công chúng đến thưởng thức nghệ thuật.

Còn theo NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, ban giám đốc rất vui khi Nhà hát Kịch Việt Nam vừa được Bộ VHTT&DL phê duyệt đề án cho thuê khai thác mặt bằng. Bởi khi có thêm nguồn thu thì có thêm phúc lợi cho cán bộ, viên chức, diễn viên của nhà hát, từ đó họ có thêm động lực làm việc. Vì đồng lương hiện nay quá ít ỏi, nếu không nhanh, không khẩn trương, thu hút lao động bình thường về các đơn vị nghệ thuật còn khó, chứ chưa nói đến thu hút nhân tài.

Những lao động bình thường nhất cũng không muốn gắn bó với nhà hát. Tuy nhiên, vừa qua theo khảo sát giá cho thấy, tuy là vị trí ở khu vực 1, nhưng mặt tiền của Nhà hát Kịch Việt Nam là mặt hậu của Nhà hát Lớn Hà Nội, chỉ cần một chiếc xe bốc hàng ở đó là mặt tiền của nhà hát bị tắc, nên cho thuê cũng hơi khó.

“Trong thực tế, nhiều năm nay, chúng tôi vẫn cho thuê khai thác, nhưng ký từng tháng, vì không biết sẽ bị tuýt còi bao giờ. Đề án của chúng tôi được phê duyệt nhưng vẫn dừng lại ở mức độ đấu giá. Toàn bộ diện tích Nhà hát Kịch Việt Nam có thể khai thác cũng chỉ khoảng 200m2” - NSND Xuân Bắc cho hay.

Dẫn chứng câu chuyện phát triển bảo tàng tư nhân như một nguồn lực đóng góp vào sự phát triển của TCVHTT, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, Thừa Thiên Huế đến nay vẫn là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo cơ chế chính sách đầu tư cho bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, những năm qua, hệ thống bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng tư nhân hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chính sách không áp dụng, nhất là những hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, thuế...

Nhà đầu tư không mặn mà

10 năm nay, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam chưa thu hút được nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Quyền Trưởng ban Ban quản lý Làng Trịnh Ngọc Chung cho rằng, lý do là bởi vướng mắc giữa quy định của Luật Đầu tư và chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của làng được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39 năm 2014. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào làng, nhà đầu tư không được hưởng bất cứ ưu đãi nào, nên họ không mặn mà.

Còn Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Nguyễn Trọng Hổ phản ánh: theo đề án được lãnh đạo Bộ VHTT&DL phê duyệt ngày 10/4/2023, khu liên hợp được khai thác tài sản dôi dư. Tuy nhiên, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế rất lớn, cho dù được khai thác trong lúc nhàn rỗi nhưng lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng. Chính vì vậy, các đơn vị không đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc nộp thuế sử dụng đất với khu liên hợp cũng rất lớn; việc khai thác các tài sản sẵn có, quy định về xã hội hóa với các danh mục nhà thi đấu, sân vận động chưa rõ ràng...

Về phía DN, Tổng Giám đốc Công ty THHH BHD Ngô Thị Bích Hạnh cho biết, trong 10 thiết chế làm rạp chiếu phim, có 6 thiết chế có 3 cụm rạp trở lên. Các DN Việt Nam rất khó khăn về nguồn vốn. Thực tế, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có hiệu lực nhưng chưa có chính sách mới về thuế cho các DN làm điện ảnh. Thậm chí, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đang đề xuất tăng thuế cho rạp chiếu từ 5% lên 10%. Mặt khác, tiền thuê đất với các rạp chiếu hiện đang quá cao, Nhà nước cần có chính sách để có mức thuê phù hợp hơn, và có các ưu đãi vốn vay cho DN văn hóa…

Tháo gỡ khó khăn

Trước những khó khăn về lĩnh vực tài chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Trần Diệu An cho biết, Bộ Tài chính đã hoàn tất công tác soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151 và đã trình Chính phủ vào tháng 8/2023 và tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ vào đầu tháng 4/2024, báo cáo Chính phủ ký ban hành, trong đó giải quyết cơ bản vướng mắc mà các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành văn hóa nói riêng. Từ đó, Nghị định sẽ làm rõ về nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết.

Về lĩnh vực đầu tư, theo các chuyên gia, về lý thuyết, có ba khu vực: Nhà nước, tư nhân và các tổ chức hội, đoàn. Ba khu vực này có vai trò trong việc tổ chức, thúc đẩy văn hóa ở quy mô, mức độ và đối tượng khác nhau. Cụ thể, khi tiếp cận về đầu tư, văn hóa và thể thao là hai lĩnh vực cần được xã hội hóa, thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt. Theo đó, vốn đầu tư từ Nhà nước sẽ mang tính chất mở đầu, định hướng. Còn khu vực tư, với những dự án có lợi nhuận, vai trò của Nhà nước thể hiện ở việc kiểm tra, giám sát, khuyến khích với ưu đãi ở mức cao nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, phải thống nhất quan điểm đâu là khu vực đầu tư công, đầu tư tư và đâu là khu vực sẽ kết hợp các hình thức này.

 

Một số điểm nghẽn về chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang tạo nên những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần sớm được tháo gỡ, khắc phục; trong đó cần xem xét cả chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao do đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật chung về chính sách hợp tác công tư.
TS Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

"Trên thực tế, đầu tư cho văn hóa, kể cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài, còn rất khiêm tốn. Đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, hiện tổng số dự án chỉ khoảng 145 dự án, với số vốn khoảng 3 tỷ USD, tức là chiếm 0,36% tổng các dự án FPI vào Việt Nam và chiếm 0,19% tổng số vốn đăng ký FPI, là con số rất nhỏ. Bởi vậy, rất cần có thêm cơ chế, chính sách thống nhất, điều chỉnh cụ thể để thu hút được tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này" - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
(Còn nữa)