Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao: Đầu tư nhiều nhưng... vẫn thiếu

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn 2 năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lĩnh vực văn hóa đã có những chuyển biến tích cực.

Trong đó, việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ việc nhận thức chưa đúng và đồng bộ trong việc sử dụng, quản lý TCVHTT để tránh lãng phí đến cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư vào thiết chế để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bài 1: Đầu tư nhiều nhưng... vẫn thiếu

TCVHTT có vị trí đặc biệt quan trọng, nhưng hiện nay có nơi vừa thừa, vừa thiếu. Theo các chuyên gia, trên cả nước còn thiếu rất nhiều TCVHTT như bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên... đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Theo số liệu thống kê mới nhất về hệ thống TCVHTT, cả nước có 66 TCVHTT cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4%; 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 76,3%, trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%). Đến nay, 42/63 địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng hệ thống TCVHTT cơ sở; đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của Nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang quản lý gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao. Các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh, huyện quản lý gồm có: 627 sân điền kinh; 10.101 nhà tập; 4.110 sân bóng đá 11 người; 3.270 sân vận động không có khán đài, 2.850 sân bóng rổ, 29.012 sân cầu lông và đá cầu…

Người dân vui chơi tại Nhà văn hóa thôn Giao Tác, xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân vui chơi tại Nhà văn hóa thôn Giao Tác, xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra còn hệ thống TCVHTT thuộc quản lý của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các bộ, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang; các TCVHTT được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Số liệu thống kê nhiều nhưng thực tế vẫn còn thiếu. Ngay ở cấp T.Ư, một số thiết chế văn hóa diện tích chưa đạt chuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, lạc hậu, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng và xu hướng phát triển của thời đại như 4 bảo tàng quốc gia, rạp xiếc T.Ư, cơ sở biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật… Thậm chí, Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chưa có cơ sở biểu diễn.

Ở cấp địa phương, một số trung tâm văn hóa cấp tỉnh chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích, quy mô; chưa phù hợp về công năng sử dụng, kiểu dáng do xây dựng từ giai đoạn trước, không có các phòng chức năng để tập luyện, biểu diễn và tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, 10 năm qua, đơn vị này chưa thu hút được dự án đầu tư nào.

 

 

Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các TCVHTT diễn ra ở nhiều địa phương. Một số TCVHTT hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được sự tham gia của người dân, đó là một sự lãng phí lớn ngân sách Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu những TCVHTT hiện đại, có thể trở thành những biểu tượng văn hóa của đất nước, của các địa phương. Ngoài ra, cơ sở vật chất của không ít TCVHTT còn nghèo nàn, lạc hậu. Kinh phí cho hoạt động của các TCVHTT rất hạn hẹp. Nhiều TCVHTT gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình từng bước phải tự chủ tài chính. Quỹ đất sử dụng của nhiều TCVHTT chưa đạt quy định. Bộ máy hoạt động của các TCVHTT kém hiệu quả. Nhân lực tại nhiều TCVHTT chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tại TCVHTT cơ sở ở nhiều địa phương chưa được coi trọng, thiếu tính chủ động, sáng tạo.
 Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng 

Tương tự, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình khai thác sử dụng như thuế sử dụng đất cao, chưa có quy định rõ ràng cho việc khai thác tài sản sẵn có, thiếu quy định xã hội hóa các danh mục nhà thi đấu... Địa điểm này thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế, cho dù được khai thác trong lúc nhàn rỗi nhưng lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng. Vì vậy, các đơn vị đầu tư khó cân nhắc đầu tư quy mô lớn.

Đầu tư manh mún, nhỏ giọt

Theo các chuyên gia, hiện nay, phương thức hoạt động của nhiều thiết chế chưa đa dạng, phong phú. Tình trạng các TCVHTT cơ sở bị đóng cửa, dừng hoạt động xảy ra ở nhiều nơi. Một số địa phương có hiện tượng sử dụng TCVHTT không đúng công năng, không đúng mục đích. Nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn và tương đương…

Thực trạng này có nguyên nhân từ việc kinh phí đầu tư cho xây dựng cũng như duy trì hoạt động của các TCVHTT manh mún và nhỏ giọt. Theo báo cáo của các bộ, ngành vốn đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách T.Ư cho địa phương bố trí cho các dự án xây dựng TCVHTT rất thấp, giai đoạn 2014 - 2015 chỉ có 49 tỷ đồng trên tổng số kế hoạch vốn đầu tư ngân sách T.Ư cho ngành văn hóa thể thao là 1.320 tỷ đồng, chiếm 3,7%; giai đoạn 2016 - 2020 gần 153/2.458 tỷ đồng, chiếm 6,2%; giai đoạn 2021 - 2025 là 408/6.683 tỷ đồng, chiếm 6,1%.

Vốn hỗ trợ qua các chương trình mục tiêu quốc gia cũng vậy, như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, vốn sự nghiệp ngân sách Nhà nước chi cho các nội dung thành phần có liên quan đến xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở (huyện, xã, thôn) chỉ là 5,2 tỷ đồng. Tình trạng bố trí vốn hạn hẹp cũng diễn ra ở các địa phương theo phân cấp quản lý về ngân sách Nhà nước...

 

Việc không thống nhất tổng thể khái niệm và nội hàm TCVHTT cơ sở; TCVHTT; các thiết chế văn hóa (nói chung); khái niệm công trình văn hóa, công trình thể thao… cơ sở vật chất, giữa đối tượng quản lý Nhà nước và cộng đồng, tư nhân với những thiết chế cụ thể theo sự phân loại khác nhau chứng tỏ sự manh mún trong các văn bản quản lý.
PGS.TS Phạm Lan Oanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia nhìn nhận kinh phí đầu tư để phát triển các TCVHTT còn hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất ở một số nơi còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu.
(Còn nữa)