Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - giá trị xứng tầm thời đại

Bài 2: Kế thừa, bổ sung và phát triển

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 80 năm đã trôi qua, song tính chất soi đường của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên giá trị và được Đảng ta kế thừa, bổ sung và phát triển.

Bài 1: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - giá trị xứng tầm thời đại

3 nguyên tắc được khẳng định trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là tính “dân tộc”, “khoa học” và “đại chúng” dù ở hoàn cảnh nào vẫn là nền tảng để tiếp nhận và xây dựng văn hóa mới trong bối cảnh hiện nay.

Kim chỉ nam xây dựng, phát triển văn hóa

80 năm qua, đất nước đã có rất nhiều thay đổi. Năm 1943, khi Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam, đất nước ta có đến 95% dân số mù chữ, nhưng đến nay 98% dân số biết chữ, trong đó có hàng triệu người có trình độ đại học và cao hơn.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử". Ảnh : Minh An
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử". Ảnh : Minh An

Cùng với đó, nền khoa học của đất nước đã thay đổi từ "nền nông nghiệp con trâu cái cày" trước đây, đến nay đã có một nền nông nghiệp xanh và thông minh với nhiều công nghệ mới và có những sản phẩm nông nghiệp đứng ngang hàng với các nước hàng đầu trên thế giới.

Hay công nghiệp cũng đã phát triển mạnh với những nhà máy, những sản phẩm công nghiệp được xuất khẩu sang nước ngoài. Như vậy, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay đã khác trước rất nhiều. Chính vì lẽ đó, sau 80 năm có những vấn đề rất mới được đặt ra đối với văn hóa.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam): “Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số và việc chuyển đổi số cũng đã đặt ra cho mọi người một khái niệm mới về "văn hóa mạng", nghĩa là bên cạnh không gian hiện thực còn có một không gian ảo. Đây là một hiện thực mới mẻ hơn trước khi có thêm một môi trường mạng với không gian văn hóa cũng rộng lớn.

Điều này đặt ra vấn đề phải nghiên cứu về văn hóa mạng và xây dựng văn hóa mạng, mỗi người tham gia không gian mạng đều phải có văn hóa, tức là phải có hiểu biết về luật lệ, về đạo đức, nghi thức, sức khỏe trên mạng… Bởi thông tin xấu trên môi trường mạng internet nếu không được kiểm soát sẽ lan truyền rất nhanh và gây ra tác hại rất lớn.

Bên cạnh đó, một xã hội công nghệ cũng sẽ tạo ra văn hóa của xã hội công nghệ. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh và hiện thân là các robot thông minh xuất hiện và đang dần thay thế rất nhiều vai trò của con người.

Nhiều người lo ngại trí tuệ nhân tạo sẽ khiến con người thất nghiệp nhưng thực chất không phải như vậy. Mỗi người phải thích nghi và tạo ra một "văn hóa học tập", và việc học tập ở đây là học tập suốt đời. Văn hóa học tập này sẽ làm cho con người thích nghi với những thay đổi của thế giới, giúp con người luôn nâng cao kỹ năng, học tập và hiện đại hóa các kỹ năng của mình.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong: Trong giai đoạn tới phải làm thế nào để văn hóa của chúng ta vẫn có những đặc sắc riêng, nhưng đồng thời cũng không đối lập với xu hướng phát triển của văn hóa toàn cầu nói chung. Như vậy, có thể thấy đã có những văn hóa mới mà đến nay chưa định hình được rõ ràng và trên cơ sở của một nền văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, xã hội phải tiếp nhận những văn hóa mới và những văn hóa mới ấy sẽ giúp cho văn hóa Việt Nam càng ngày càng hoàn chỉnh.

Động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Theo chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hóa, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp Nhân dân. "Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hóa; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay" - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi - đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa
Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hóa.

Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hóa. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hóa; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hóa.

Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) rằng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phù hợp với xu thế thời đại

Giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó lưu ý một số nội dung: Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước"; "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".

Nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc ta.

Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa; đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững.

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện nhiều hơn nữa điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc.

(Còn nữa)