Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những hình mẫu về an sinh xã hội trên thế giới

Bao trùm và linh hoạt trước thách thức

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều thập niên qua, chính sách an sinh xã hội ở các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đã được xây dựng theo tiêu chí linh hoạt, mang tính phổ cập cao và dựa trên nguyên tắc phân phối lại thu nhập.

Trong đó, tất cả mọi người dân đều được hưởng trợ giúp tối thiểu nhằm nâng cao mức sống và giảm phân hóa giàu nghèo.

Chính sách bao trùm, phổ cập

Tại Nhật Bản, Nhà nước giữ vai trò chính trong việc cung cấp an sinh xã hội thông qua hệ thống bảo hiểm và trợ cấp xã hội. Cụ thể, hệ thống của xứ sở mặt trời mọc gồm các chính sách sau: bảo hiểm xã hội; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm chăm sóc sức khỏe; trợ giúp xã hội.

Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội bao gồm chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế và bảo hiểm lao động (bảo hiểm việc làm, bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động). Về cơ bản, hệ thống an sinh xã hội dùng quỹ xã hội để đảm bảo thu nhập cho những người lâm vào tình cảnh đặc biệt; như bảo đảm phúc lợi cho những người cao tuổi, người tàn tật và trẻ em cần sự chăm sóc thường xuyên; trợ cấp xã hội đối với những người có mức sống dưới mức quy định.

Bên cạnh chính sách trên, Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ bảo hiểm y tế và chế độ bảo hiểm chăm sóc lâu dài. Đặc biệt, quốc gia này quy định người dân buộc phải lựa chọn tham gia một trong hai loại hình bảo hiểm trên.

Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ bảo hiểm y tế và chế độ bảo hiểm chăm sóc lâu dài. Ảnh: AP
Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ bảo hiểm y tế và chế độ bảo hiểm chăm sóc lâu dài. Ảnh: AP

Khi người dân lựa chọn tham gia một trong hai loại hình này sẽ được tính phí bảo hiểm theo mức lương và việc chi trả chế độ căn cứ vào từng loại hình bảo hiểm. Theo đó, mức chi trả chăm sóc sức khỏe bình quân bằng khoảng 22% lương trung bình tháng, cộng thêm 1% chi phí nếu trên mức quy định mỗi người bệnh...

Tại Mỹ, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đảm bảo điều kiện đủ từ 62 tuổi, độ tuổi nhận lương hưu đầy đủ (đối với những người sinh năm 1960 trở lại là 67 tuổi) và độ tuổi được hưởng mức lương hưu cao hơn (70 tuổi). Mỹ có cũng có điểm mới với khái niệm “trì hoãn nhận bảo hiểm”. Việc này giúp người lao động có thêm lựa chọn, hoặc tiếp tục cống hiến, chậm nhận bảo hiểm đến năm đủ 70 tuổi để được nhận mức lương hưu cao hơn.

Trong số các chương trình an sinh xã hội của Mỹ như bảo hiểm hưu trí, tử tuất và bảo hiểm tàn tật; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm y tế và phúc lợi y tế; an sinh xã hội cho người bản địa; chương trình lớn nhất là bảo hiểm hưu trí, tử tuất và tàn tật được Mỹ duy trì triển khai hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh các chương trình trên, Mỹ cũng triển khai các chương trình an sinh xã hội đối với người có thu nhập thấp như: phúc lợi y tế Medicaid; thu nhập an sinh bổ sung; hỗ trợ tạm thời cho gia đình khó khăn; chương trình từ thiện…

Trong khi đó, chính sách an sinh xã hội của Pháp tập trung phát triển hệ thống bảo hiểm sức khỏe toàn diện. với các chương trình bảo hiểm y tế; bảo hiểm hưu trí và trợ cấp tuổi già; bảo hiểm thương tật khi làm việc; bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp gia đình... Mỗi chương trình này đều có luật riêng biệt để điều chỉnh. Ngoài ra, Pháp tiếp tục kiên trì chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em trước độ tuổi đến trường, trong đó phụ nữ được hưởng mức trợ cấp an sinh rất cao trong thời kỳ nuôi con nhỏ.

Từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc lựa chọn mô hình bảo hiểm đa tầng phủ rộng, chế độ thụ hưởng vừa phải và bền vững, trong đó trọng tâm là hệ thống hưu trí, bảo hiểm y tế và hệ thống hỗ trợ thu nhập tối thiểu. Mô hình của Trung Quốc hiện nay dựa trên các trụ cột chính là bảo hiểm xã hội (hưu trí, y tế, thất nghiệp, thai sản và tai nạn lao động), trợ giúp và phúc lợi xã hội.

Đa dạng hóa nguồn thu cho quỹ an sinh xã hội

Từ năm 1930 đến nay, Chính phủ Thụy Điển đã nhiều lần tiến hành cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong phân phối an sinh cho người dân. Có thể thấy, hệ thống an sinh xã hội của Thụy Điển đã đi theo hướng “xã hội dân chủ”. Hệ thống này của Thụy Điển chủ yếu dựa trên nguyên tắc bồi thường sự mất mát thu nhập, đảm bảo thu nhập, nhằm khuyến khích năng suất lao động và việc làm tăng lên và thất nghiệp giảm xuống.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội ở Đức chủ yếu được dựa trên sự đóng góp tài chính của 3 bên (người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước).

Tại Anh, cơ cấu đóng góp vào quỹ an sinh xã hội được chia ra làm 5 nhóm bao gồm đóng góp từ: chủ DN và người lao động; người tự làm chủ; những người tình nguyện bảo vệ quyền lợi cho một số lợi ích. Những người tự làm chủ trên lợi nhuận thuế của họ; người chủ cung cấp cho người lao động nhiên liệu xe hơi hoặc xe hơi sử dụng riêng.

Riêng những người lao động làm việc ở độ tuổi đã nghỉ hưu thì không phải đóng góp vào quỹ, nhưng chủ của họ tiếp tục phải đóng góp theo luật định. Chính vì vậy, lợi ích an sinh phụ thuộc vào thanh toán của những người đóng góp như: người chủ, người thợ, người làm việc nửa ngày cho Quỹ Bảo hiểm quốc gia và Chính phủ cũng tham gia đóng góp vào quỹ này. Còn những lợi ích an sinh xã hội khác thường dành cho những người không đóng góp và được trích từ thuế.

Khả năng chống chịu trước những thách thức mới

Quá trình hội nhập quốc tế, cũng tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực, việc làm, thị trường lao động khu vực và thế giới... Trong bối cảnh đó, quá trình di dân, di chuyển lao động và di chuyển thể nhân theo xu hướng từ nông thôn ra thành thị và hướng ra thị trường quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ đặt ra nhiều bài toán mới cho các nhà hoạch định chính sách an sinh xã hội trên thế giới.

Những thay đổi về cơ cấu dân số, cùng với sự gia tăng tuổi thọ của người già, chi phí hàng năm dành cho y tế tiếp tục gia tăng và có thể dẫn đến mất cân bằng tài chính của các quỹ bảo hiểm. Đây là vấn đề đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhằm ứng phó với những thách thức trên, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành cải cách về an sinh xã hội bao gồm: cải cách hệ thống tài chính nhà nước; có chính sách hợp lý trên thị trường lao động nhằm khuyến khích tạo việc làm và thu hút người lao động; đối với hệ thống hưu trí, chuyển hoàn toàn sang hệ thống tài khoản cá nhân nhằm hạn chế gánh nặng cho lực lượng lao động; đồng thời, đảm bảo được thu nhập lâu dài cho người nghỉ hưu.

Trước những áp lực lớn về cơ cấu tuổi thọ dân số, cũng như gánh nặng hưu trí, đến năm 2001, Chính phủ Đức đã ban hành Đạo luật cải cách hưu trí mới nhằm ổn định các tỷ lệ đóng góp trong quỹ hưu trí. Theo đó, kể từ năm 2001, dưới những áp lực về cơ cấu tuổi thọ dân số và gánh nặng hưu trí, Đức đã ban hành cải cách nhằm gia tăng tỷ lệ đóng góp trong hệ thống hưu trí công cộng lên mức 20% vào năm 2020 và 22% vào năm 2030. Theo đó, Đức phải giảm dần lợi ích hưu trí ở mức từ 70% thu nhập trung bình vào năm 2000 xuống 67% vào năm 2030.

Và kể từ năm 2004, Đức đã quyết định tăng độ tuổi nghỉ hưu chính thức từ 65 tuổi lên 67 tuổi vào năm 2035 và tiếp tục khẳng định tỷ lệ đóng góp vào hệ thống hưu trí công cộng ở mức 20% vào năm 2020 và 22% vào năm 2030.