Theo Bộ Nội vụ, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số năm 2023 đặt mục tiêu tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược Quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Năm 2023 là Năm Dữ liệu số Quốc gia, tập trung vào thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng cụ thể về dữ liệu số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, an toàn an ninh mạng.
Trong đó, phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các CSDL trong danh mục; ban hành kế hoạch về dữ liệu mở; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch; cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, DN chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà Nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); 100% bộ, ngành, địa phương, DN nhà nước triển khai hoạt động nâng cao năng lực phát triển và quản trị dữ liệu thuộc phạm vi quản lý...
Bên cạnh đó, Kế hoạch đặt chỉ tiêu 100% bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT, hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ/cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử; 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình. Đồng thời, 40% DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia; 30% thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC; 60% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia. 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương.
Cùng đó, 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 50% hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa; trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và phục vụ người dân; trên 50% CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản.
Về kinh tế số, đáng chú ý, phấn đấu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trên 16%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý; 100% bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý; trên 90% DN nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử và trên 30% DN nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Về xã hội số, Kế hoạch đặt chỉ tiêu tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng trên 85%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân trên 20%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác trên 75%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%...
Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng, Kế hoạch đặt mục tiêu tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin trên 80%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản trên 20%...
Về nhiệm vụ trọng tâm phân công các thành viên Ủy ban Quốc gia trực tiếp chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ TT&TT điều phối, đôn đốc thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia và kế hoạch Năm Dữ liệu số quốc gia; chủ trì, chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện phổ cập điện thoại di động thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân...
Cùng nhiệm vụ cụ thể cho Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, chỉ đạo triển khai xây dựng CSDL Quốc gia về CBCCVC để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời, tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số. Đồng thời, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho lực lượng cán bộ chuyên trách về Chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng trong cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương.