Bộ trưởng Bộ Tài chính: Dự toán ngân sách năm 2023 đặt ra mức tăng thấp

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh năm 2023 tiềm ẩn nhiều khó khăn, để đảm bảo thận trọng, chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, nước ta có một năm điều hành quản lý kinh tế - xã hội thành công.

Trong năm qua chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Trong đó, dù 5 năm qua thực hiện chính sách giảm thuế nhiều, nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, có cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách.

Về dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, năm 2023 sẽ là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu trong nước tăng, dầu xăng khó khăn, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao, room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn khó khăn.

Đặc biệt là lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao tác động mạnh đến điều hành kinh tế - xã hội nước ta, tác động đến sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. Ngoài ra, trước ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng mức bội chi thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ trong bối cảnh hiện nay mức bội chi đề ra là hợp lý. “Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này thì hiệu quả sẽ không cao” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng là tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình cho biết một số giải pháp trong điều hành giá xăng dầu, giá thuốc và vật tư y tế. Theo đó tập trung rà soát để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) cho biết, về khơi thông dòng vốn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội đã có chủ trương đưa ra gói kích thích để hỗ trợ phục hồi sau dịch, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022- 2023.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu, các nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn trên thị trường sẽ dồi dào hơn, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn và các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp đang khát vốn, nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, đại biểu đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, tranh cung tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây hệ lụy nợ xấu, tạo bất ổn cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, đại biểu đề nghị cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, tranh cung tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây hệ lụy nợ xấu, tạo bất ổn cho nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn tỉnh Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn tỉnh Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận.

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn tỉnh Yên Bái) theo phản ánh của doanh nghiệp hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, ngân hàng thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi. Những khó khăn này ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Chi phí vốn tăng cao do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu dư nợ tín dụng ngân hàng trên GDP của Việt Nam ở mức khá cao, cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh.

Trước những vấn đề trên, để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết. Đồng thời, có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát.

Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.