Bước ngoặt mới của EU

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả của hội nghị cấp cao mới rồi đã làm thay đổi Liên minh châu Âu (EU) cả trong bản chất lẫn trên danh nghĩa về nhiều phương diện.

Sẽ không phải quá lời gì khi cho rằng EU đã không còn được như trước nữa và tới đây sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề mới phức tạp và nan giải.

Mục tiêu mà EU phấn đấu từ mấy năm nay vẫn là cứu đồng Euro trong bối cảnh xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia thành viên. Hội nghị cấp cao này là lần đầu tiên EU đề cập tới tận gốc rễ sâu xa của cuộc khủng hoảng nợ công đe doạ sự an nguy của đồng Euro, đó là kỷ cương lỏng lẻo về tài chính ngân sách cũng như không có sự phối hợp với nhau và kiểm soát lẫn nhau giữa các thành viên EU nói chung và các thành viên tham gia vào đồng tiền chung Euro nói riêng trong chính sách kinh tế, tài chính ngân sách và tiền tệ. Hội nghị cấp cao này mở đường cho việc hình thành trong EU một dạng liên minh liên kết mới chuyên về tài chính, ngân sách và tiền tệ. Tất cả 17 thành viên EU thuộc Nhóm Euro đều tham gia, 9 thành viên EU khác sẽ quyết định sau khi tham vấn quốc hội. Chỉ có Anh là đứng ngoài. Cũng vì sự phản đối của Anh mà EU mới bị phân rẽ đến như thế. Cũng chính vì sự phủ quyết của Anh mà Đức và Pháp không thành công với ý định sửa đổi cả Hiệp ước về thành lập EU.

EU bị phân chia ra thành nhiều tầng nấc và liên kết với nhiều tốc độ khác nhau vừa có lợi lại vừa có hại đối với chính mình. Một mặt, không chỉ có Anh bị cô lập và biệt lập ngày càng nhiều hơn mà EU còn phải chấp nhận một bước lùi trong quá trình nhất thể hoá khu vực và châu lục. Xu hướng ly tâm trong EU rồi sẽ trỗi dậy. Những chuyển biến ấy sẽ khiến EU vừa mất thể diện vừa bị suy giảm vị thế và ảnh hưởng quốc tế. Cái lợi đối với EU là cơ hội để khắc phục triệt để như có thể được những sai sót và bất cập bộc lộ lâu nay trong tổ chức và cơ chế hoạt động của liên minh. Những gì được thông qua ở hội nghị cấp cao này cũng lại còn giống như cái giá đắt mà EU buộc phải trả để lấy về cơ may giải cứu đồng Euro thoát khỏi khủng hoảng và ngăn chặn khủng hoảng tương tự trong tương lai. Bối cảnh tình hình hiện tại và ưu tiên hàng đầu dành cho việc giải cứu đồng Euro đã làm lu mờ việc EU quyết định kết nạp Croatia làm thành viên thứ 28. Cũng vì thế mà không biết được kết nạp vào EU lúc này thật sự có lợi hay lại bất cập hại đối với Croatia.