Ngày 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Mang lại nhiều động lực cho phát triển
Phát biểu tại tổ, đại biểu Vũ Tiến Lộc hoan nghênh Chính phủ đã có tinh thần cải cách, quyết liệt để đưa các luật vào thi hành sớm 5 tháng.
Theo đại biểu, thời gian 5 tháng đối với nền kinh tế chúng ta sẽ mang lại nhiều động lực cho phát triển. Trong bối cảnh còn tồn tại một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ sai, không dám chịu trách nhiệm, việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh hoàn thiện các văn bản để đưa các Luật, đặc biệt là Luật Đất đai vào cuộc sống thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ trách nhiệm.
“Để 5 tháng nữa các luật có hiệu lực thi hành thì chắc chắn hơn cho mình nhưng lại làm chậm sự phát triển của đất nước” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói và cho rằng đây là tinh thần đẩy mạnh cải cách thể chế trong việc xây dựng hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, cũng như các quy định chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực sớm.
Tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, 4 luật này có tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế; nếu triển khai sớm sẽ có hiệu quả cao, gỡ bỏ những “nút thắt” trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình đẩy nhanh hiệu lực thi hành nếu không thận trọng sẽ có những vấn đề xảy ra; có yếu tố trước mắt nhưng cũng có những yếu tố tác động lâu dài. Đây là điều cần phải cân nhắc, suy nghĩ rất chín chắn.
Đánh giá cao dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được nghiên cứu, xây dựng nghiêm túc, không chạy đua theo tiến độ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên đặt mục tiêu phải hoàn thành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật trước 1/8, phải đặt chất lượng và tính đồng bộ lên cao nhất nhưng cũng phải bảo đảm hoàn thành trong năm 2024 theo quy định của các luật được Quốc hội thông qua.
Theo đại biểu, trước đây có những luật ban hành rồi nhưng phải một vài năm mới có các văn bản hướng dẫn. Giả sử bị chậm 4-5 tháng không phải hậu quả lớn, ta vẫn cho phép thực thi nhưng không đặt yêu cầu phải hoàn thành các luật, giới hạn trước 31/12.
“Tôi đề xuất cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn hoàn thành trước 31/12 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong Luật mới nếu khi thực hiện không được lợi như Luật cũ thì đối tượng thực hiện được lựa chọn từ nay cho đến 31/12” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Tạo áp lực lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản
Đề xuất Dự án Luật cần được thông qua để các luật có hiệu lực sớm, tuy nhiên đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, băn khoăn của Ủy ban Kinh tế là có cơ sở khi việc các luật có hiệu lực sớm sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành. Điển hình như Luật Đất đai năm 2024 mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết được ban hành.
Liên quan đề xuất quy định chuyển tiếp các luật, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, việc áp dụng sẽ có lợi nhiều hơn có hại, tuy nhiên cũng sẽ tạo ra việc áp dụng không đồng bộ, tạo khoảng trống về pháp luật.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn: "Trên thực tế, nhiều tỉnh đang e dè chờ đợi luật mới có hiệu lực để triển khai, mặc dù luật cũ vẫn hiệu lực, nhiều người vẫn ngại vì đang thực hiện luật này mà sang đầu năm sau làm theo luật mới không biết thực hiện thế nào. Nên tốt nhất là chờ đợi. Vì vậy, nếu không cho Luật có hiệu lực sớm, đang ách tắc ở dưới".
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, không phải làm cho xong để thực hiện, cốt lõi là phải đảm bảo chất lượng nhất, tập trung vấn đề khơi thông những bất cập ở đạo luật cũ gây cản trở, tạo sự thông thoáng, đi vào thực tiễn.
“Với tinh thần áp dụng điều khoản mới, tôi cho rằng các luật có hiệu lực sớm sẽ có lợi nhiều hơn có hại. Nhưng nó sẽ có khoảng trống nhất định, nhưng cái được sẽ nhiều hơn cái không được” - đại biểu Phạm Đức Ấn nêu quan điểm.