Đề xuất này ngay lập tức có những phản hồi từ phía cộng đồng DN với nhiều ý kiến lo ngại dự thảo sẽ hạn chế sự tham gia của nhiều DN có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, đến 2050, hệ thống năng lượng, hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trung tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ năng lượng tái tạo.
Trong khi số liệu thống kê từ các công ty điện lực cho thấy, hiện nay có khoảng 7.700 khách hàng đủ điều kiện, chiếm 40% tổng điện năng tiêu thụ cả nước tham gia mua bán điện trực tiếp. Và theo đại diện Tập đoàn điện lực, hoàn toàn có thể tạo thị trường mua - bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 80-NĐ/CP cho phép các nhà sản xuất năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng lớn. Trong đó, Nhà nước chỉ nắm giữ, đầu tư những lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, còn lại các DN được cạnh tranh bình đẳng không phân biệt DN Nhà nước hay tư nhân.
Thực tế, nếu như trước đây, khách hàng chỉ mua điện qua nguồn EVN. Vì thế, DN sẽ không thể biết là mình mua điện từ dự án nhiệt điện, thủy điện hay năng lượng tái tạo. Tuy nhiên với việc khuyến khích DN mua bán điện trực tiếp, bên mua sẽ chủ động trong việc chọn nguồn điện sạch (nguồn điện tái tạo). Điều này có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước yêu cầu xanh hóa ngày càng cao. Điều này các DN, đặc biệt là DN sản xuất hàng xuất khẩu rất cần để chứng minh được với thị trường mà họ xuất khẩu vào là sản phẩm sản xuất ra sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, qua đó tạo ưu thế cạnh tranh cho DN.
Khi tham gia mua bán điện trực tiếp cũng sẽ giúp nhiều DN không chỉ hưởng được chứng nhận về xanh, thể hiện uy tín trong các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững; mà còn bảo đảm được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về giá cả biến động, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Rõ ràng cả bên mua và bên bán đều có lợi khi thực hiện việc mua bán điện trực tiếp.
Ngoài đề xuất ngưỡng 200.000 kWh/tháng, dự thảo còn đề xuất rà soát điều kiện khách hàng hàng năm, khiến một số khách hàng có thể bị loại khỏi danh sách do giảm tiêu thụ điện. Quy định này có thể gây rủi ro cho hợp đồng mua - bán điện giữa khách hàng và nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt khi mức giảm tiêu thụ có thể xuất phát từ giảm đơn hàng hoặc ứng dụng tiết kiệm điện.
Việc này là không cần thiết do một khách hàng không đạt mức tiêu thụ cũng không gây tác động tiêu cực nào cho hệ thống điện quốc gia. Chính vì thế trong quá trình xây dựng chính sách về mua bán điện trực tiếp rất cần sự cân nhắc thận trọng để không chỉ khuyến khích DN tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo mà còn giúp tăng sức cạnh tranh của DN, giảm áp lực cho hệ thống điện.