Cần phạt nặng người gây ô nhiễm tiếng ồn

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, sáng sớm chúng tôi đã chứng chiến cảnh một chàng, một chai rượu, một đĩa mồi, cùng… cái loa, vừa uống rượu vừa nghe nhạc giải trí.

Thế là buổi sáng bị phá vỡ không chỉ cảnh nhậu nhẹt chướng mắt mà còn chủ yếu vì tiếng ồn cực đại phát ra từ cái loa nọ. Ai nhìn vào cũng ngán ngẩm.

Một vấn nạn hiện nay: Tiếng ồn xe cộ và hàng trăm thứ khác chưa đủ, tiếng ồn còn từ loa máy đủ thứ ở vỉa hè, ở nhà phố, để nghe nhạc và nhất là để hát karaoke. Một người thân của tôi cho biết, karaoke giờ phổ biến tới mức một tỷ lệ số nhà không nhỏ mua sắm nó. Họ dùng có giờ giấc, có phòng cách âm thì không sao, đằng này cứ hứng lên là hát, nhất là sau chầu nhậu, hoặc vừa nhậu vừa hát.

“12 giờ khuya rồi mà còn giọng ca nhừa nhựa vì rượu rống lên hết cỡ. Không ai ngủ được”, một người thuật lại tình trạng hát hò ở khu phố nơi anh sống. Chưa kể, mỗi lần trong khu phố, trong xóm có thôi nôi hay đám tiệc là mỗi lần loa máy ầm ĩ có khi suốt 2 - 3 ngày.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, ở TP người dân dễ bị cao huyết áp hơn những người ở vùng nông thôn. Những người dân ở gần các đường sắt, đường cao tốc hay các khu phố nhỏ chật chội có nhiều xe cộ qua lại hay nhiều công xưởng hoạt động cũng vậy. Tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch ở những nơi này cao hơn những nơi không bị ô nhiễm tiếng ồn là từ 15 - 20%.

Vậy mà nhiều người đang bị tiếng ồn tra tấn đúng theo nghĩa đen của nó. Trên trang cá nhân, một vị giáo sư từ Nhật Bản về Việt Nam để giúp đỡ các trường đại học, viện nghiên cứu cho biết cách nay mấy năm ông từng bị đột quỵ may mắn thoát chết.

Tuy nhiên, nơi ông sống có độ mươi gia đình thì có ba nhà thường xuyên hát karaoke mà không thấy ai nhắc nhở. Ông nói, một trong những tiêu chí của TP Hồ Chí Minh là trở thành “thành phố nghĩa tình” mà với kiểu hát hò làm phiền người khác như vậy thì nghĩa tình làm sao nổi! Ông đề nghị, đã có quy định xử phạt vì gây tiếng ồn, các cơ quan chức năng cấp phường, xã nên xử lý mạnh tay để giảm thiểu vấn nạn này.

Ở các nước phát triển, vấn đề kiểm soát tiềng ồn là một tiêu chí rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các bệnh do stress gây ra, trong đó có bệnh tim mạch. Việc giảm tiếng ồn xuất phát từ tinh thần tự giác của mỗi cư dân trong TP, tuyệt nhiên không thấy tiếng còi xe inh ỏi dù lúc kẹt xe và từ sự nghiêm minh của pháp luật cũng như tính hợp lý của các nhà kiến trúc đô thị.

Từ những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và những bằng chứng hiển nhiên của việc ô nhiễm tiếng ồn, đã có một số nhà đầu tư và kiến trúc quy hoạch những khu phố ít tiếng ồn, nhưng những cố gắng này chỉ là những ngọn nến nhỏ trong bóng đêm khi mà mọi người vẫn còn coi việc quá nhiều tiếng ồn ở TP, ở thôn xóm, là chuyện “bình thường ở huyện” không ảnh hưởng gì tới ai.

Nên chăng, việc giáo dục về ô nhiễm tiếng ồn cần từ ngay trong nhà trường, và cần có chế tài thật nghiêm khắc, nhắc nhở khi ai đó gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người xung quanh? Đặc biệt, cần đưa tiêu chí vào “khu phố văn hóa”, “thôn ấp văn hóa”… về vấn đề kiểm soát tiếng ồn trong sinh hoạt, nhất là tiếng ồn do hát karaoke, hát nhạc sống, để hạn chế vấn nạn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần