Thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điên tử 2017 tổ chức ngày 5/4.
Với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”, hội thảo có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp, các chuyên gia công nghệ chia sẻ những giải pháp công nghệ thông tin toàn diện giúp khối Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện đã có hơn 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng internet. Với tỷ lệ này, Việt Nam đang đứng thứ hạng cao ở châu Á Thái Bình Dương và thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vi mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo, IoT… đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia. Ông Dũng nhấn mạnh, để thực sự vững vàng trong một xã hội đầy biến động của cuộc cách mạng công nghiệp này thì cần nhiều việc phải làm, một trong số đó là phải cải cách mạnh mẽ cách làm của chúng ta, khiến mọi hoạt động phải thực sự khoa học, tối ưu để nâng cao năng suất.
Cũng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng CNTT để làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng Giao tiếp điện tử TP. Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin được bước đầu triển khai. Hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của đơn vị… Lãnh đạo TP Hà Nội luôn mong muốn lắng nghe những sáng kiến, giải pháp từ các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, người dân đóng góp cho quá trình kiến tạo phát triển của Thủ đô.
Đánh giá chung về hiện trạng ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2016 đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 tăng nhanh về số lượng dịch vụ và hồ sơ được trực tuyến. Đáng chú ý, đến cuối tháng 3/2017, đã có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 557 dịch vụ công mức 3 và 295 dịch vụ công mức 4; cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với số dịch vụ công mức 3 là 10.152 dịch vụ và 1.101 dịch vụ công mức 4.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng chấm điểm chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam ở mức cao với 0, 57 điểm, xếp thứ 74/193 nước, tăng 8 bậc so với năm 2014 và xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, 2 chỉ số thành phần về Hạ tầng viễn thông và Nguồn nhân lực lại giảm so với năm 2014.