Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chồng ơi, em mệt mỏi lắm rồi!

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị mở mắt ra, cảm giác đầu tiên là mùi mồ hôi hơi nồng. Khi cảnh vật rõ hơn, chị thấy anh ngồi cạnh chị, vẫn đang mang bộ đồ lao động dính đầy vôi vữa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị chỉ là người con gái có nhan sắc trung bình, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhiều nét duyên thầm. Nhiều người trêu chị: “Không cao nhưng lắm kẻ phải ngước nhìn ngưỡng mộ đấy”. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp lớp điều dưỡng về bệnh viện huyện nhà làm, chị lại phải lòng anh bạn học cùng làng. Anh cũng không phải là chàng trai đẹp mã gì, lại chỉ làm nghề thợ hồ suốt ngày nhem nhuốc.

Chị thích anh có lẽ vì hai đứa chơi thân từ nhỏ, anh vui tính, hài hước và biết nhường nhịn chị cũng như chúng bạn mỗi khi có tranh cãi. Chị nghĩ: “Sau này lấy anh, anh biết nhường nhịn thì cũng hay, nhà cửa đỡ loảng xoảng vì vợ chồng mâu thuẫn”. Về kinh tế, chị cũng không lo lắng nhiều vì chồng được trả công khá cao, thu nhập hơn hẳn lương điều dưỡng của chị.

Những năm đầu chung sống, hai vợ chồng không có gì mâu thuẫn. Anh đi làm tối về; chị thì tùy ca trực, có khi về sớm, khi về muộn. Chị và anh được bố mẹ chồng chia đất, giúp làm cái nhà nhỏ. Khi hai đứa con lần lượt ra đời, họ có thêm việc phải chi tiêu nhưng cũng không quá khó khăn, nhất là ở quê giá cả mọi thứ như rau cỏ, thịt thà… đều khá rẻ.

Nhưng ngày vui ngắn chửa tày gang. Anh ngoài đi làm còn mê lô đề. Thời gian đầu, chị nghĩ chơi lô đề cũng chỉ ngày tốn vài chục nghìn đồng, nghe người ta nói thế, nên chẳng quan tâm. Dần dần, chị chợt nhận ra anh đưa tiền tháng cho chị ngày càng ít đi, trước đây được gần chục triệu, nay có tháng chỉ dăm triệu, có tháng anh khất bảo chủ thầu chưa thanh toán…

Những cô bạn trong làng cũng mách chị: “Chồng mày mê lô đề lắm, không khéo đổ nợ!”.

Chuyện gì đến rồi cũng đến. Một hôm, chị đang lúi húi trong vườn thì thấy hai thanh niên phóng xe máy đến. Họ hỏi tên chị và nói: “Chồng chị đang nợ… Chị trả cho chúng tôi đi”. Chị nghe số tiền đến muốn ngất vì nó bằng cả mấy tháng lương của mình. Hỏi ra, chị mới biết, chủ nợ là dân ghi lô đề, sau khi gọi điện, nhắn tin đòi chồng mình không được nên cử hai tên giang hồ đến tận nhà chị. Khi đó, chị bấm bụng dồn hết tiền bạc lâu nay gom góp được để trả nợ cho chúng…

Lần thứ hai, chị không trực tiếp trả nợ lô đề cho chồng mà chính anh lục tủ lấy đi số tiền của chị tích cóp được mang đi trả.

Lần tiếp theo, anh chỉ nói: “Anh nợ 20 triệu. Anh không còn tiền, em đi vay giúp anh”… Cứ thế, lần này nối tiếp lần khác. Anh cũng có lần thề thốt sẽ thôi không chơi lô đề nữa nhưng vẫn tính nào tật đấy.

Chị ngoài đi làm ở bệnh viện, còn đi làm thêm ở phòng mạch tối mịt mới về, rồi còn để mắt đến con cái chuyện học hành… Nhiều người bảo trông chị ngày càng xanh xao, đã gầy nay còn gầy hơn. Cho đến một hôm, chị đang làm trong bệnh viên thì tự nhiên ngất xỉu.

Đứa con gái gọi điện cho bố: “Bố về đi, mẹ bị ngất đang nằm trong bệnh viện”.

Anh đang làm, nghe tin thì về ngay. Anh ngồi bên chị, trên giường bệnh. Bác sĩ cho anh biết: “Anh làm sao giúp đỡ chị nhà chứ. Chúng tôi nghe nói, chị đi làm ở bệnh viện, tối làm phòng mạch, rồi còn tranh thủ đi thăm khám bệnh… May mà chị được hồi sức kịp thời không thì nguy hiểm đấy”.

Anh lặng nhìn chị, nhìn vào gương mặt bơ phờ, mệt mỏi của vợ thấy mình đáng trách vô cùng. Chỉ vì ham nhanh giàu, thú vui chơi lô đề mà anh khiến vợ phải lam lũ đến kiệt sức, nguy hiểm cả tính mạng để kiếm tiền trả nợ cho mình.

Chị nhìn anh và nói trong hai hàng nước mắt: “Em mệt mỏi lắm rồi!”. Anh nắm chặt tay chị, đôi mắt nhìn chị như muốn nói nhiều về sự hối hận của mình dù đã muộn, mong chị tha thứ.