Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi Văn phòng công chứng: Đề nghị gia hạn thêm thời gian

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn thực hiện khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến, thời hạn chuyển đổi văn phòng công chứng (VPCC) được gia hạn thêm 24 tháng, tính từ 1/1/2017.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng năm 2014 trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2015), VPCC do một công chứng viên (CCV) thành lập theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 phải chuyển đổi thành VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh (VPCC hợp danh).

Giao dịch tại Văn phòng Công chứng Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, tính đến hết ngày 31/12/2016, thời hạn phải hoàn thành chuyển đổi VPCC theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng năm 2014, trong tổng số 825 VPCC có 647 VPCC hợp danh (chiếm 78% tổng số VPCC) và 178 VPCC do một CCV thành lập (khoảng 22%). 178 VPCC chưa chuyển đổi tập trung tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng thì thuộc trường hợp bị thu hồi quyết định thành lập, giấy đăng ký hoạt động do không hoàn thành việc chuyển đổi đúng thời hạn. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoạt động 178 VPCC này sẽ gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng, CCV, người lao động, làm giảm niềm tin của các tổ chức, cá nhân đối với sự ổn định của các tổ chức hành nghề công chứng...
Theo báo cáo của các địa phương, các VPCC không chuyển đổi được đúng thời hạn chủ yếu do không có nguồn CCV để tiến hành hợp danh, tập trung chủ yếu tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, số lượng CCV trên địa bàn ít, như Điện Biên (2/2 VPCC chưa chuyển đổi), Lào Cai (4/6 VPCC chưa chuyển đổi)... Thực trạng thiếu CCV là do một số nguyên nhân như: Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm CCV được nâng lên so với Luật Công chứng năm 2006 dẫn đến số lượng CCV bổ nhiệm mới giảm mạnh so với những năm gần đây; Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động công chứng và sự thu hút của nghề công chứng; Đội ngũ CCV hành nghề phân bố không đồng đều, tập trung tại những tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có điều kiện kinh tế - xã hội cũng như nghề công chứng phát triển. Trong bối cảnh đó, thời hạn 24 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng năm 2014 không đủ để nhiều địa phương tạo nguồn CCV mới; việc thu hút CCV về những địa phương đang thiếu CCV cũng còn hạn chế, vì hoạt động công chứng phát triển tập trung ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển.
Trước thực trạng khó khăn trong việc chuyển đổi VPCC trên cả nước, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Công chứng năm 2014, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn chuyển đổi VPCC là cần thiết. Theo đó, sẽ kéo dài thời hạn chuyển đổi thêm 24 tháng kể từ ngày 1/1/2017 và giao cho Chính phủ trách nhiệm triển khai thi hành Nghị quyết. Thời hạn này, theo Bộ Tư pháp, sẽ giúp các địa phương bổ sung thêm đội ngũ CCV cần thiết từ nguồn tại chỗ cũng như thu hút thêm CCV từ một số tỉnh, TP khác. Việc kéo dài thời hạn chuyển đổi nêu trên đáp ứng yêu cầu cấp bách và khó khăn của một số VPCC chủ yếu do điều kiện khách quan và sẽ giúp ổn định, phát triển các VPCC tại các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.                                                        
Chính phủ đã có Tờ trình số 78/TTr-CP về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, theo đó Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn thực hiện khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng được đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV (tháng 5/2017) theo quy trình một kỳ họp.