Báo cáo của Chính phủ cho biết, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, dự phòng ngân sách Trung ương đã sử dụng hết để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương (23,4 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (14,5 nghìn tỷ đồng).
Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên. Theo báo cáo của Chính phủ, TP Hà Nội tiết kiệm 10.946 tỷ đồng chi ngân sách, 3.331 tỷ đồng chi thường xuyên, đạt kết quả cao nhất cả nước.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Trong năm 2023, cả nước đã mua mới 380 chiếc xe ô tô (nguyên giá 388,43 tỷ đồng), 1.146 phương tiện vận tải khác (nguyên giá 32,96 tỷ đồng) và 50.704 máy móc thiết bị (nguyên giá 3.073,25 tỷ đồng). Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 31/12/2023, đã cập nhật 2.236.543 tài sản với nguyên giá là 2.329.050,13 tỷ đồng.
Trong năm 2023, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đã lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính); phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616ha đất; kiến nghị thu hồi 188.607 tỷ đồng và 166ha đất.
Liên quan đến tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thuộc bộ, ngành.
Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị SNCL, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị SNCL.
Tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 là 84.140 người; năm 2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, tuy đạt nhiều kết quả tích cực song công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức, bộ máy; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước mặc dù được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến lãng phí về nguồn lực và thời gian.
Còn tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục cần được Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân, bởi khi xác định đúng và trúng sẽ là cơ sở để đề ra những giải pháp mang tính đột phá. Từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới.
Đồng thời đề nghị bổ sung thêm giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng bộ trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật để quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục rà soát tổng thể các quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập trên tinh thần “khó ở đâu, tháo gỡ ở đó”. Đồng thời quan tâm phân tích, đánh giá cụ thể hơn về chậm giải ngân đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương; vấn đề xử lý tài sản công sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính gây lãng phí nhưng chưa có cơ chế chính sách để xử lý…