Và đây tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Bởi thực trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến hiệu quả dự án, tăng trưởng kinh tế, còn gây lãng phí nguồn lực quốc gia, cơ hội phát triển.
Năm 2024, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, ngành. Tại các phiên họp từ Chính phủ đến các địa phương đều có nội dung về đầu tư công; các văn bản, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được đưa ra. Cùng với đó, 5 tổ công tác của Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Tuy nhiên, như những con số thống kê đến thời điểm này, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công kết quả vẫn thấp, đến hết tháng 9/2024 chỉ đạt 47,29% kế hoạch năm; nhiều bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân dưới 20%. Nguyên nhân của tình trạng này không có gì mới, vẫn là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công chậm... Đặc biệt có cả nguyên nhân một bộ phận cán bộ còn sợ sai, “né” trách nhiệm, đùn đẩy; khâu chuẩn bị dự án sơ sài, chất lượng kém và năng lực nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu yếu.
Thực tế cho thấy, không giải ngân được vốn đầu tư công chính là một sự lãng phí lớn, kéo theo nhiều hệ lụy khi đất bỏ hoang, nguồn lực xã hội bị ách tắc, gây bức xúc trong dư luận… Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhấn mạnh “vốn đầu tư công là tiền của của Nhà nước, Nhân dân”, do đó, các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng hiệu quả, “không chậm trễ, lãng phí nguồn vốn này”. Để không chậm trễ, tránh lãng phí nguồn lực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt thấp nhất 95% như kế hoạch, trong nhiều giải pháp đã và sẽ tiếp tục được thực thi, trong đó, việc rà soát tổng thể xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp rất quan trọng. Đặc biệt, giải quyết triệt để, tận gốc những nguyên nhân, căn bệnh "trầm kha" gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện cũng đòi hỏi trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị.
Cùng với đó, việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” từ thể chế cũng kỳ vọng nhiều khi Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét. Nội dung sửa đổi luật lần này đã thể hiện rõ tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, T.Ư, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”… Đồng thời, những cách làm hiệu quả từ thực tiễn được đề xuất luật hóa như tách dự án giải phóng mặt bằng nhằm giảm thời gian thực hiện dự án; có nhóm giải pháp riêng đối với các dự án ODA… sẽ tháo gỡ những vướng mắc với các dự án đang gặp khó khăn.
Đây là bước quan trọng để khắc phục được “căn bệnh trầm kha” trong giải ngân vốn đầu tư công. Khi dòng vốn đầu tư công được khơi thông, không chỉ giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp ngay cho tăng trưởng GDP, còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và tránh được tình trạng lãng phí lớn, trong đó có cả lãng phí về thời gian.