Để trẻ nói tiếng nói của mình

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 7 năm 2023 đã diễn ra từ ngày 5 - 8/8.

Với chủ đề "Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em", diễn đàn có sự tham dự của 188 trẻ em đến từ nhiều vùng miền đại diện cho 25 triệu trẻ em trong cả nước.

Diễn đàn được tổ chức với nhiều hoạt động trang trọng như Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà Quốc hội, làm việc với các bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội...

Đặc biệt, tại phiên chính thức của diễn đàn diễn ra sáng 8/8 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề của trẻ em đã được gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan.

Nổi bật là các câu hỏi: làm thế nào để giảm tình trạng tảo hôn ở trẻ em dân tộc? Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng? Đâu là giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích; phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em? Làm thế nào để nắm thông tin về trẻ em và xử lý các vấn đề về trẻ em một cách hiệu quả? Các giải pháp để giúp trẻ bị xâm hại, bị bạo lực vượt qua được khủng hoảng, ổn định tâm lý…

Có thể nói, những vấn đề được các em nói lên tại diễn đàn vừa mang tính thời sự liên quan trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, vừa phản ánh trung thực việc thể chế hóa và triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật nhằm xây dựng môi trường tốt hơn, an toàn hơn trong gia đình, nhà trường, xã hội.

Tuy nhiên, cũng vì những vấn đề đặt ra đa phần mang tầm vĩ mô nên dễ có cảm nhận là các em đang phải suy nghĩ thay phần việc của người lớn. Và cũng vì thế mà dường như diễn đàn đang thiếu tiếng nói hồn nhiên của các em về những vấn đề mang tính thực tế, rất cụ thể, gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt, học tập hằng ngày của trẻ.

Chẳng hạn như làm sao để học sinh lớp 9 không phải chịu sức ép quá lớn ở mỗi kỳ thi vào THPT được tổ chức hằng năm mà một trong những nguyên nhân là thiếu trường, thiếu lớp, chất lượng dạy và học giữa các trường ở cùng một địa phương chưa đồng đều.

Hay làm sao để các em đều có đủ chỗ vui chơi, giải trí, Hè đến có đủ bể bơi an toàn để không phải ra sông, hồ tắm mát, dễ bị đuối nước. Rồi làm sao để nếu không may bị ốm, vào bệnh viện không phải nằm ghép 2 - 3 bạn một giường… và nhiều vấn đề khác nữa rất thiết thực với đời sống, lứa tuổi để mọi trẻ em Việt Nam dù ở thành thị hay thôn quê, dù ở đồng bằng hay miền núi đều được học tập, vui chơi trong môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Và điều quan trọng nữa là tất cả những vấn đề trên cần được nói lên bằng những cảm nhận từ cuộc sống, bằng cách nói, cách nghĩ hồn nhiên của chính các em.

Như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phát biểu tại diễn đàn: công tác trẻ em là sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài, từ những việc làm cụ thể.

Để làm được điều đó, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội với tinh thần dành tình cảm yêu thương nhất, những gì tốt nhất cho trẻ em, để trẻ em phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, biết điều hay, lẽ phải, có đủ kiến thức để ứng phó và tự bảo vệ mình trước các tình huống nguy hiểm như bị bạo hành, bị xâm hại về thể chất hoặc tinh thần; có thể tránh, phòng ngừa các hành vi, hiện tượng xấu, tiêu cực, nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước...

Và quan trọng nhất, để những hoạt động trên có kết quả, người lớn phải làm gương mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc, mà việc tổ chức các hoạt động dành cho các em, của các em là một ví dụ, sao cho các em thực sự thấy mình được làm chủ, nói tiếng nói chân thực, hồn nhiên, gần gũi với cuộc sống của mình.